Một đoạn đê quốc phòng bị sóng đánh vở tại xã Vân Khánh, huyện An Minh. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
An Minh là địa phương có đoạn bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng nhất của tỉnh Kiên Giang do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết, bờ biển thuộc địa bàn huyện dài 37 km, song hiện có hơn 20 km bị sạt lở nặng. Nghiêm trọng nhất là từ Tiểu Dừa đến vàm Kim Quy, xã Vân Khánh dài khoảng 7 km. Tình trạng sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp, nhất là giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, ảnh hưởng bất lợi đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Từ năm 2010 đến nay, hơn 250 ha đất rừng phòng hộ ven biển, đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của huyện An Minh bị sạt lở trôi ra biển. Hệ lụy là hàng trăm hộ dân mất nhà ở, mất đất sản xuất, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, ông Khanh cho hay.
Cụ Nguyễn Văn Khảm, 81 tuổi, ngụ ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh chỉ tay ra hướng biển, nhớ lại: “Tôi sống ở đây trên 30 năm. Hồi trước, từ vàm Kim Quy này ra tới mé biển hơn nửa cây số, với nhiều loài cây rừng mọc dày đặc như: mắm, bần, đước… Bà con cất nhà ở, sản xuất, nuôi tôm, cua, cá dưới tán rừng, ra biển khai thác đánh bắt thủy sản, yên ổn làm ăn sinh sống.
Nhưng khoảng 15 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở ven biển diễn ra rất nhanh, nhất là vào hai mùa gió nam, gió chướng hàng năm, sóng biển đánh mạnh làm bật gốc cây rừng, sụp lở đất, bà con không trụ được phải di dời nhà cửa vào sâu bên trong. Hiện nay, sạt lở bờ biển đến chân đê quốc phòng, sóng biển đánh vào tận nền nhà dân, lo ngại nhà cửa sẽ bị sập đổ bất cứ lúc nào khó lường trước được”.
Đến vàm Kim Quy, xã Vân Khánh những ngày này, hàng chục hộ dân sống ở đây luôn trong tâm trạng hồi hộp, lo ngại bị sụp đổ nhà ở, mất tài sản, mất đất sản xuất, đe dọa đến tính mạng do sạt lở đất, sóng gió ập đến cuốn trôi ra biển. Vì trước đó, cuối tháng 6 vừa qua, sóng to, gió lớn kết hợp với triều cường gây sạt lở đất đã làm đổ sập 2 căn nhà xuống biển, đe dọa một số nhà ở khác, rất may không có thương vong về người.
Ghi nhận tại đây, ngoài một đoạn đê quốc phòng bị sóng biển đánh vỡ, nước biển tràn vào thì căn nhà của chị Ngô Thị Mộng Nhi đã bị sạt lở vào nửa nền nhà, một số căn nhà khác sóng biển đánh đến tận vách, nước xâm thực vào nền. Chị Nhi cho biết: “Tôi vay nợ hơn 16 triệu đồng cất nhà ở chưa hết mừng thì bị sạt lở đất, sụp đổ. Giờ không còn nhà, phải cất chòi ở tạm và mang nợ không biết lấy gì để trả.”
Hàng rào cừ tràm tạm thời gia cố đê quốc phòng bị sóng đánh vở tại xã Vân Khánh, huyện An Minh. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Hiện nay, huyện An Minh đang tập trung xử lý tạm thời sạt lở vàm Tiểu Dừa, vàm Kim Quy để bảo vệ đê quốc phòng và sản xuất của nhân dân với kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn phòng chống lụt bão. Vận động những hộ dân đang sống trên vùng nguy hiểm di dời đến nơi an toàn; rà soát những đoạn bờ biển có nguy cơ sạt lở cao, đe dọa đê quốc phòng để bồi trúc, gia cố bảo vệ đê không bị vỡ, bảo vệ đất sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết, tình trạng sạt lở bờ biển Tây trên địa bàn tỉnh đang ngày càng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ bảo vệ, sóng biển đánh mạnh trực tiếp vào bờ gây sạt lở nặng nề.
Nguồn vốn đầu tư phòng chống, khắc phục sạt lở rất lớn, vượt khả năng của địa phương. Trong 10 năm qua, diện tích sạt lở ra biển hơn 1.000 ha, gồm rừng phòng hộ, đất nuôi trồng thủy sản chạy dọc theo bờ biển Tây, với chiều rộng có đoạn hơn 500 m, nhất là đoạn An Biên - An Minh.
Trước tình trạng bờ biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý hiệu quả phù hợp với thực tế, trước mắt là những đoạn sạt lở nghiêm trọng. Đồng thời, triển khai mô hình hàng rào tràm 2 lớp gây bồi, tạo bãi trồng cây rừng ngăn chặn sạt lở; gia cố, bồi trúc những khu vực nguy cơ sạt lở cao để bảo vệ đê quốc phòng và đất sản xuất của người dân. Ngoài ra, tập trung bảo vệ và phát triển cây rừng ngập mặn hiện có kết hợp trồng mới ở những nơi có điều kiện để tăng khả năng phòng hộ của đai rừng ven biển.
Ông Tâm cho biết: Tỉnh Kiên Giang tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đê biển An Biên - An Minh; dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015 - 2020; dự án gây bồi, tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Nam Thái (An Biên) và đoạn Bình Sơn - Bình Giang (Hòn Đất)…