Clip Cảnh sát biển tuyên truyền cho ngư dân về IUU:
Nâng cao nhận thức của ngư dân
Thượng tá Lê Văn Tú, Phó Chính ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Trên khu vực biển phía Tây Nam của Tổ quốc, các lực lượng chức năng luôn duy trì bảo đảm và bố trí các tàu trực thường xuyên như tàu Cảnh sát biển 4035, tàu Kiểm ngư 270, Kiểm ngư 277… Mặc dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm, một số thời điểm diễn biến phức tạp, có vụ việc mang tính chất chống đối, sử dụng biển số giả; tắt, tháo thiết bị giám sát hành trình… nhận thức pháp luật, trình độ văn hóa của ngư dân còn nhiều hạn chế.
Qua công tác kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), biên đội tàu Cảnh sát biển đã duy trì nghiêm túc hệ thống gác, trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức trực canh quan sát nắm chắc tình hình trên không, trên biển. Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển nhận thức rõ chức trách, xây dựng ý chí quyết tâm cao, xác định tốt nhiệm vụ, nắm vững các đối sách, phương án xử lý các tình huống trên khu vực biển được phân công.
Cũng theo Thượng tá Lê Văn Tú, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức tuyên truyền về phòng chống khai thác IUU, phòng chống dịch COVID-19 cho trên 100 lượt tàu cá ngư dân; trao tặng cờ Tổ quốc, phát tờ rơi các loại và tặng khẩu trang y tế cho các tàu cá hoạt động tại khu vực; cho thuyền trưởng các tàu viết cam kết chấp hành các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản.
Sau khi được lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền về không khai thác thủy sản bất hợp pháp, anh Trương Đình Vũ (tàu cá KG 91189, huyện An minh tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Thực hiện quy định chống khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, thuyền viên chúng tôi chấp hành nghiêm các thủ tục khai báo khi ra vào cảng và khi ra khơi; danh sách thuyền viên, lịch trình đánh bắt… đều ghi chép vào sổ cảng, báo cáo đầy đủ”.
Cũng theo anh Vũ, nếu qua vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép thủy sản, ngoài bị xử phạt, còn có thể bị tịch thu phương tiện, bị bắt giữ... vì vậy ngư dân đã nhận thức cao và chấp hành nghiêm để bảo vệ tài sản cũng như sức khỏe, tính mạng của các thuyền viên trên tàu.
Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm
Các giải pháp để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC mà ngành chức năng triển khai đã và đang mang lại tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, vẫn còn một số ít ngư dân chưa tuân thủ triệt để. Việc nhiều tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có những chủ tàu trốn tránh, không đưa tàu về địa phương thực hiện nghĩa vụ. Nhiều tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng thiết bị mất kết nối, bị tháo niêm phong, tác động gây hư hỏng.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho rằng, công tác tuyên truyền cần tiếp tục thực hiện sâu, rộng hơn. Ngoài ra, việc tăng cường tuần tra, kiểm soát là rất cần thiết.
"Quy định đã có, chúng ta tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Phải có sự phối hợp của lực lượng liên ngành để thực hiện việc này. Việc tổ chức bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực đã có chủ trương của UBND tỉnh. Chúng tôi đang xây dựng đề án theo hướng thành lập lực lượng kiểm ngư của tỉnh, nhằm tăng cường thực thi pháp luật ở trên biển", ông Nguyễn Việt Triều cho biết.
Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển mới đây, một lần nữa Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế thủy sản bền vững, về IUU đến từng cán bộ, từng người dân một cách hiệu quả, thường xuyên. Tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tại địa phương thực hiện hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân bền vững.
Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh; kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, đáp ứng nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm khi đi khai thác hải sản trên biển; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương có liên quan để siết chặt quản lý đối với tàu cá địa phương hoạt động thường xuyên trên địa bàn ngoài tỉnh, xử lý kịp thời tàu cá có hành vi khai thác IUU. Trong tháng 9/2021, triển khai ngay các giải pháp để tăng cường sự thống nhất, đồng bộ giữa các lực lượng thực thi pháp luật thủy sản trên địa bàn trong công tác phòng, chống IUU.
Các địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như: Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre... đặc biệt là Kiên Giang phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài.