Song song với việc tập trung quán triệt các chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của các cấp, hiện nay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tích cực, chủ động phối hợp, tham mưu cho các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, cơ chế, chính sách pháp luật quản lý tàu cá. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý, đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác hải sản theo khu vực biển; xây dựng, vận hành trung tâm giám sát tàu cá; quy định kích thước tàu, thuyền hoạt động trên các vùng biển; lắp đặt thiết bị giám sát, định vị GPS, thông tin liên lạc ICOM, quy định khai báo trước, trong và sau khi ra khơi… tạo khuôn khổ, hành lang pháp lý để các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá, duy trì trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam.
Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng quản lý, nắm chắc tình hình trên biển, kiểm tra, xác minh thông tin hành trình, phạm vi hoạt động của tàu cá, nỗ lực cùng hệ thống chính trị quyết tâm ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, giữ vững trật tự, an toàn, môi trường hòa bình, ổn định trên biển.
Đáng chú ý, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu về: Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Luật Thủy sản, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982… để ngư dân nắm được phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật và cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, sát tình hình thực tiễn, lực lượng đã giúp bà con, ngư dân làm ăn trên các vùng biển, đảo nắm bắt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cũng như các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7 Luật Cảnh sát biển Việt Nam như: Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; giả mạo tàu thuyền, phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam…
Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, dù được phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác thủy, hải sản trên biển, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ ngư dân, chủ tàu vi phạm quy định về khai thác thủy sản. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU.
Kết quả cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và lực lượng bảo vệ biển các nước bắt giữ, xử lý 29 vụ, 48 tàu, 326 ngư dân vi phạm IUU; kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 178 tàu, thu nộp ngân sách nhà nước trên 382 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; không có giấy tờ tùy thân; tháo thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Đặc biệt, đã ngăn chặn kịp thời 4 vụ với 7 tàu cá ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ ở khu vực biển giáp ranh.