Bé P.H.T nhập viện trong tình trạng hôn mê, rối loạn nhịp tim và tổn thương nội tạng.
Bác sĩ Vũ Hiệp Phát, Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bé T. được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng hôn mê, rối loạn nhịp tim nặng và tổn thương gan, thận. Các bác sĩ xác định, cháu bé bị ngộ độc nấm Gyrommitrin - một loài nấm ký sinh trên ký chủ ve sầu. Sau khi được cấp cứu khẩn trương, điều trị tích cực, hiện bé T. cải thiện dần, đang thở oxy, truyền dịch và được bác sĩ theo dõi sát sao.
Trước đó, như TTXVN đưa tin, khoảng 16 giờ ngày 6/6, bà N.T.T.N. nhặt được mấy cây nấm có chiều dài khoảng 3cm, thân giống ấu trùng ve sầu, nhiều tơ nấm màu trắng xám bọc bên ngoài, đầu có nấm dài khoảng 1cm màu đỏ. Sau khi chiên nấm với dầu, bà N. ăn hai con nhộng, bé T. ăn 5 con nhộng. Khoảng 1 tiếng sau, bà N. và con trai cảm thấy chóng mặt, đau bụng quặn, nôn ói nhiều lần, đi cầu phân lỏng, run tay chân, mệt mỏi… Sau đó, hai mẹ con đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Sau khi sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bà N. được chuyển viện lên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Đồng Nai điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc nấm mọc trên xác nhộng ve sầu. Các bác sĩ đã súc rửa dạ dày, truyền dịch cho bệnh nhân. Sức khỏe bà N. đã ổn định. Riêng bé P.H.T có thêm triệu chứng rung giật nhãn cầu, tiếp xúc chậm, được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh điều trị trong tình trạng nguy kịch.
Thời gian qua đã có nhiều trường hợp ngộ độc Gyrommitrin vì ăn phải nấm ký sinh trên xác ve sầu xảy ra tại một số địa phương, Bác sĩ Vũ Hiệp Phát cảnh báo, mùa hè là mùa sinh sản của ve sầu, những cơn mưa lớn là điều kiện cho nấm độc Gyrommitrin ký sinh trên thân ve đâm chồi, phát triển khiến nhiều người lầm tưởng với các loại nấm “đông trùng hạ thảo” nên mang về chế biến thành thực phẩm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Nấm độc Gyrommitrin có hình dáng giống nhung hươu, màu đỏ thẫm, đầu nấm có hình cầu, trông rất đẹρ mắt. Ƭriệu chứng của nạn nhân khi ăn phải gồm ói, mửa, chân tay co giật, mất đi ý thức, hôn mê sâu, nếu ăn nhiều có thể nguy hiểm đến tính mạng. Điều đáng nói, chất độc có trong nấm Gуrommitrin không hề bị mất đi khi sơ chế, hay đun nấu bằng nhiệt. “Ngộ độc Gyrommitrin hiện chưa có thuốc đặc trị, phụ huynh cần tránh sử dụng các loại nấm hình thù lạ, chưa thông dụng trên thị trường để đảm bảo an toàn, tránh sự cố tương tự tái diễn”, Bác sĩ Phát khuyến cáo.