Lương thấp, việc nhiều
Chị L.P, kỹ thuật viên gây mê làm việc tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết, chị đã chính thức nghỉ việc tại bệnh viện từ đầu tháng 3/2022. Lý do là công việc quá vất vả, trực đêm nhiều, không có thời gian lo cho gia đình, nhưng thu nhập lại giảm tới 40% so với trước đây.
Tương tự, anh B.L, nhân viên y tế làm việc tại một trạm y tế huyện Bình Chánh cũng cho biết đã nộp đơn xin nghỉ việc sau gần 4 năm gắn bó với nghề. Theo anh B.L, ngoài áp lực công việc đi sớm về muộn, gần 4 năm qua thu nhập của anh chỉ ở mức 5,5 - 6 triệu đồng/tháng, không thể đảm bảo cho cuộc sống gia đình.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhân viên y tế kiệt sức và nhiều tháng chưa được nghỉ ngơi nhưng lại nhận được mức thu nhập quá thấp là lý do khiến họ nghỉ việc.
Nói về làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc trong thời gian gần đây, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng năm các bệnh viện công lập Do dịch COVID-19, thu nhập của các cơ sở y tế công lập sụt giảm khiến cho nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do như nhà xa, môi trường làm việc không phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có lí do thu nhập chưa như mong đợi. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, nguồn thu nhập của các bệnh viện, cơ sở y tế đều sụt giảm, do đó nhân viên y tế nghỉ việc là điều không thể tránh khỏi.
PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài nguyên nhân về thu nhập, thì áp lực công việc và khối lượng công việc gia tăng, kèm theo đó những stress về cảm xúc, tâm lý.
Mới đây, Bệnh viện Hùng Vương đã thực hiện khảo sát 466 nhân viên y tế cho thấy, hàng loạt nhân viên y tế của bệnh viện rơi vào hội chứng “burned-out”, suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng.
Cụ thể, 23,6% nhân viên có biểu hiện trầm cảm, 42,9% lo âu và 17,6% stress. Phân tích nguyên nhân, có 57,5% nhân viên trải qua nhiều biến cố như phải chứng kiến người thân, bạn bè mất vì COVID-19; 53,6% nhân viên cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế…
Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nếu như trong năm 2020 thành phố chỉ có 595 nhân viên y tế cơ sở công xin nghỉ việc thì đến năm 2021, con số này tăng lên đến 968 trường hợp. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, số nhân viên nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lên đến gần 400 trường hợp, chiếm 70% so với năm 2021.
Tìm giải pháp giữ chân nhân viên y tế cơ sở
Sau thời gian căng thẳng chống dịch, thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt khiến các cơ sở đối mặt nguy cơ thiếu hụt nhân sự. Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp để giữ chân người lao động.
Theo đánh giá của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, chế độ, chính sách có vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của số đông cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc giữ chân, tuyển dụng hay thu hút nhân lực về công tác tại y tế cơ sở.
Ông Tăng Chí Thượng cho rằng, để giữ chân nhân viên y tế, ngoài vấn đề lương bổng, cần phải tạo môi trường làm việc tốt, có điều kiện học tập nâng cao, giảng dạy và nghiên cứu...
Đại diện Bệnh viện Hùng Vương cho biết, trước tình trạng nhân viên y tế của bệnh viện bị hội chứng “burned- out” do đại dịch COVID-19, bệnh viện đã triển khai chương trình nâng đỡ sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế với mục tiêu sàng lọc, phát hiện sớm tình trạng rối loạn tinh thần, từ đó can thiệp, bảo vệ và chăm sóc hiệu quả cho nhân viên y tế.
Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 3, tổng số nhân lực đang có mặt làm việc của ngành y tế thành phố là 41.312 người. Trong đó có 27.000 viên chức, 11.083 trường hợp là hợp đồng lao động đang chờ xét tuyển và 3.229 trường hợp là hợp đồng được ký kết giữa người lao động làm một số việc cụ thể trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.
Cụ thể, bệnh viện đã tổ chức 28 buổi trò chuyện với các chuyên gia tâm lý cho nhân viên. Sau đó, biên soạn và xuất bản “sổ tay tâm lý”, 14 đoạn video clip có nội dung ngắn gọn để nhân viên tự thực hành tại nhà về các bài tập nâng đỡ cảm xúc. Mô hình nâng đỡ tinh thần nhân viên y tế trong mùa dịch COVID-19 của bệnh viện đã phát huy tác dụng rõ rệt, làm giảm bớt căng thẳng, lo âu, lấy lại trạng thái cân bằng để họ tiếp tục sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, Sở Y tế thành phố sẽ lắng nghe, ghi nhận mọi thông tin từ nhân viên y tế, từ đó chủ động giải quyết những vấn đề cấp bách như môi trường làm việc, thu nhập, cơ hội được đào tạo thăng tiến và mối quan hệ với lãnh đạo, đồng nghiệp. Từ đó, Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh và Bộ Y tế để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất giúp nhân viên y tế gắn bó với nghề. Việc tổ chức lắng nghe, trao đổi với nhân viên y tế sẽ tổ chức hàng tuần và mở rộng thêm nhiều đối tượng như trưởng khoa, phó khoa, bác sĩ…
Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X ngày 7/4, các đại biểu đã biểu quyết thông qua chính sách đặc thù giúp củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. Theo nhận định của ngành y tế, những chính sách này được thông qua thật sự là tín hiệu tích cực cho y tế cơ sở sẽ khởi sắc trở lại trong thời gian tới, thu hút và giữ chân được nhân viên y tế.