Canh giấc ngủ, giữ từng nhịp thở
Đang thay tã cho bé gái sinh non, nhẹ cân ở giường số 4, tín hiệu báo động vang lên, điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Thắm bỏ dở công việc đến ngay giường số 6 để xử lý. Bé trai giường số 6 bị tuột dây ống thở. Bằng động tác nhanh nhất, chị đặt lại ống dẫn thở cho trẻ. Ổn định xong, chị quay trở lại giường số 4 tiếp tục công việc. Cứ thế, suốt ca trực, hầu như chị Thắm không ngơi tay.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm chia sẻ: "Thời gian đầu vào đây, em run lắm, không biết làm sao bởi các con nhỏ quá, chỉ việc tìm mạch máu để tiêm, truyền cũng là một thử thách, các bé luôn trong tình trạng nguy hiểm, khi có vấn đề xảy ra là mình phải xử lý ngay, nhiều khi các chị em trong Khoa không kịp ăn cơm, uống nước".
Chị Lê Ngọc Ánh, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh cho biết, Khoa có 40 giường bệnh tiếp nhận trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, mắc các bệnh lý bẩm sinh nguy hiểm như: tim mạch, hở thành bụng, thoát vị rốn, teo đường thở, teo thực quản, trẻ sinh non có cân nặng dưới 1 kg… được chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới lên hoặc các đơn vị phụ sản chuyển đến. Nhiệm vụ của Khoa là hồi sức đến khi trẻ ổn định mới chuyển lên Khoa Sơ sinh điều trị tiếp. Toàn bộ hoạt động chăm sóc bệnh nhi ở đây đều do các điều dưỡng phụ trách. Mỗi ngày, người thân của các bé chỉ được vào thăm từ 5 - 10 phút.
Hiện đơn vị có 41 điều dưỡng phân công chăm sóc trẻ theo "3 ca, 4 kíp". Ở các nước tiên tiến, mỗi điều dưỡng hồi sức sơ sinh chỉ phụ trách từ 1 - 2 trẻ. Tuy nhiên ở đây, mỗi người phải đảm nhiệm việc chăm sóc từ 4 - 5 bé. Hầu hết các ca bệnh đều từ nặng đến rất nặng, công việc của điều dưỡng rất vất vả.
Nhiều người gọi điều dưỡng ở Khoa Hồi sức sơ sinh là những "siêu nhân" bởi áp lực công việc nơi đây rất lớn. Không chỉ phải đảm nhiệm chăm sóc nhiều bệnh nhi cùng lúc mà các kỹ năng chăm sóc, kỹ thuật tiêm truyền… luôn đòi hỏi ở mức cao. Theo chị Ánh, lãnh đạo Bệnh viện và Khoa luôn yêu cầu các điều dưỡng phải thật sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong việc thực hiện y lệnh của bác sĩ và chăm sóc trẻ. Bởi vì, những trẻ sơ sinh non tháng, mắc bệnh lý phức tạp chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Một số điều dưỡng không chịu nổi áp lực đã phải rời đi chỉ sau vài tuần làm việc. Cứ thế, trong hàng chục năm qua, nhiều đứa trẻ được chăm sóc và thoát khỏi cửa tử nhờ vào bàn tay của các điều dưỡng nơi đây.
Trái tim những người mẹ
Công tác trong lĩnh vực hồi sức nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa tròn 30 năm cũng là ngần ấy thời gian chị Lê Ngọc Ánh chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp thương tâm. Mỗi lần tiếp nhận trẻ mới, chị Ánh đều không khỏi xót xa: "Trẻ đến với chúng tôi đều mắc bệnh rất nặng. Thương lắm, chúng tôi chỉ mong làm sao chăm sóc, điều trị thật tốt để trẻ có thể vượt qua giai đoạn mong manh này, trở về với gia đình". Nhiều lần trái tim chị Ánh như thắt lại bởi không thể cứu được bệnh nhi, đành bất lực nhìn trẻ ra đi. Cũng không biết bao lần, nước mắt chị Ánh đã rơi khi chứng kiến giây phút "tử biệt" của trẻ và gia đình. Chị tâm sự: "Các con vẫn còn bé lắm, sinh ra đã phải rời gia đình đến bệnh viện điều trị, vậy mà chỉ sống thêm được 4-5 ngày, cuộc đời của các con ngắn quá, nghĩ thôi mà cũng đã đứt ruột".
Lúc còn rất trẻ (23 năm trước), chị Ánh được phân công chăm sóc một bé gái mới chỉ hơn 1 tháng tuổi bị teo thực quản rất nặng, tưởng chừng như không qua khỏi. Nhờ được các bác sĩ điều trị và sự tận tình chăm sóc của các điều dưỡng, bé đã được phẫu thuật và khỏe mạnh trở về nhà. Nhớ về trường hợp này, chị Lê Ngọc Ánh kể lại: "Con bé rất ngoan. Mỗi lần mình chăm sóc, bé nằm im, giương mắt nhìn, cười với mình, sau đó lại có những cử chỉ rất dễ thương nên mình mến lắm". Từ đó, chị và bé trở nên thân thiết. Nhiều khi dù đã hết ca trực, chị vẫn nán lại chăm sóc, ẵm, bồng, chơi đùa cùng bé. Sau này, gia đình trẻ mong muốn nhận chị Ánh là mẹ nuôi. Giờ đây, con gái nuôi của chị đã trưởng thành, ra nước ngoài định cư nhưng vẫn luôn nhớ về mẹ Ánh. Thỉnh thoảng, con lại gọi điện tâm sự, ghé thăm mẹ mỗi lần về nước.
Chị Ánh cho biết thêm, mỗi điều dưỡng tại Khoa Hồi sức sơ sinh là một người mẹ của các bệnh nhi. Bởi vì, nhiều em vừa sinh ra, chưa được ba mẹ ẵm bồng đã phải vào bệnh viện. Lúc này, các điều dưỡng là những người trực tiếp chăm lo cho trẻ từng miếng ăn, giấc ngủ, canh giữ từng nhịp thở. Chỉ cần nhịp thở của trẻ nhanh hơn hay chậm hơn một chút, các điều dưỡng đều thấy lo lắng. Như những người mẹ, niềm vui lớn nhất của các điều dưỡng nơi đây là được nhìn thấy trẻ tiến triển tốt hơn mỗi ngày. Trẻ ổn định, nghĩa là các con có cơ hội sống tiếp, có thể trở về với gia đình, người thân.
Làm việc tại Khoa, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm nhiều lúc ngỡ ngàng khi có người nhận ra chị giữa đám đông. Đó là những phụ huynh có con đã từng được chị chăm sóc hoặc phụ huynh đưa con tái khám, trở lại thăm các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa. "Ngày gặp lại, các con đã lớn, hoạt bát, nhanh nhẹn, có bé đã có thể chào hỏi, ngoan ngoãn, lễ phép, tôi vui lắm. Nhìn những đứa trẻ mình từng chăm sóc tưởng không qua khỏi nay có thể tiếp tục sống khỏe mạnh, những vất vả cực nhọc trong công việc vì thế cũng tiêu tan", qua lớp khẩu trang, ánh mắt chị Thắm ánh lên niềm hạnh phúc.
Với chị Ánh và 40 điều dưỡng của Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, chăm sóc, hồi sức cho trẻ sơ sinh mắc bệnh lý hiểm nghèo không đơn thuần chỉ là công việc mà còn là một sứ mệnh. Không kể ngày đêm, bước chân của các điều dưỡng nơi đây vẫn thoăn thoắt đi khắp các phòng bệnh, thực hiện sứ mệnh canh giữ từng nhịp thở, đưa các con thoát khỏi bờ vực tử thần.