Đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến 500 giường tại huyện Dầu Tiếng

Ngày 15/8, tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã đưa Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền với quy mô 500 giường vào hoạt động thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Chú thích ảnh
Lễ công bố và đưa vào hoạt động Bệnh viện Dã chiến quy mô 500 giường để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại huyện Dầu Tiếng. Ảnh: TTXVN

Đây là khu điều trị được bố trí, tổ chức nhân sự, trang thiết bị với năng lực điều trị tầng 1 theo mô hình “Tháp 3 tầng” mà Bộ Y tế khuyến cáo.

Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền được xây dựng trên cơ sở trưng dụng Trường Tiểu học Ngô Quyền trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng. Đây là bệnh viện đầu tư theo hình thức xã hội hóa do các đơn vị đầu tư hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị là Charm Group và một số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 35 tỉ đồng.

Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền được tổ chức thực hiện ngay nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho người dân địa phương; đồng thời, đáp ứng đủ năng lực để chia lửa với các địa phương “vùng đỏ” trên địa bàn Bình Dương.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Dã chiến quy mô 500 giường để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại huyện Dầu Tiếng. Ảnh: TTXVN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao đánh giá cao sự nỗ lực của huyện Dầu Tiếng trong việc triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Sau khi đưa vào sử dụng, ngành y tế tỉnh khẩn trương phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Dầu Tiếng tổ chức vận hành cho tốt Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền về thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt, đẩy nhanh công tác tầm soát quét sạch COVID-19 trong cộng đồng để thiết lập “vùng xanh” an toàn; qua đó đưa toàn huyện Dầu Tiếng trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh  trong điều kiện bình thường mới trước ngày 30/8.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Dầu Tiếng, đến nay, toàn huyện có 11/12 xã, thị trấn đã thiết lập “vùng xanh” an toàn . Theo đó về cơ bản huyện đã trở lại hoạt động theo điều kiện bình thường mới.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Dã chiến Ngô Quyền tại huyện Dầu Tiếng đã sẵn sàng chia lửa với "vùng đỏ" trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN

Ngoài Bệnh viện dã chiến vừa đưa vào sử dụng tại Dầu Tiếng, hiện tại trên đìa bàn tỉnh Bình Dương có 5 bệnh viện dã chiến khác; trong đó có Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tích cực do Tổng Công ty Becamex hỗ trợ vừa đưa vào vận hành nhằm khẩn trương thu dung, điều trị các ca bệnh mắc COVID-19 trở nặng. Bình Dương còn có 16 khu điều trị khác, nâng tổng năng lực toàn tỉnh hiện có lên 17.240 giường.

Trước diễn biến khó lường của dịch COVID–19, tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó xác định việc khẩn trương mở rộng, thành lập thêm các Bệnh viện dã chiến có quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tăng cường năng lực thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19 là ưu tiên hàng đầu của tỉnh.

Được biết, tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 41.621 ca mắc COVID-19 làm 341 bệnh nhân tử vong. Hiện 10.672 bệnh nhân đang điều trị; trong đó có 2.676 ca có triệu chứng, 1.376 bệnh nhân có bệnh nền và 637 bệnh nhân chuyển nặng.

Chí Tưởng (TTXVN)
Vượt 41.000 ca mắc COVID-19, Bình Dương kiến nghị cấp thêm 1 triệu liều vaccine  
Vượt 41.000 ca mắc COVID-19, Bình Dương kiến nghị cấp thêm 1 triệu liều vaccine  

Tối 14/8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 2.029 ca mắc mới (giảm 27,9% so với ngày 13/8).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN