Cứu sống trẻ bị xuất huyết dưới màng cứng

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đến ngày 10/8, cháu N.T.H (6 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) bị xuất huyết dưới màng cứng, não lệch về một bên đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và sẽ được xuất viện trong tuần tới.

Chú thích ảnh
Bệnh nhi N.T.H. được theo dõi sức khoẻ sau ca phẫu thuật và chờ ghép lại xương sọ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. 

Trước đó, ngày 27/7, cháu H nhập viện trong tình trạng hôn mê, trầy xước chân tay, sưng nề đầu, mặt. Người nhà cho biết, trong lúc đang đi bộ qua đường, cháu N.T.H bị xe máy tông ngã xuống đường, sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngay khi nhập viện, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, truyền dịch cho cháu H. Qua kết quả thăm khám, chụp CT-scanner, các bác sĩ phát hiện, cháu bị xuất huyết dưới màng cứng thái dương phải, đẩy lệch não qua trái, ghi nhận một phần não bị dập, tình trạng bệnh rất nguy kịch và được chỉ định mổ cấp cứu khẩn cấp.

Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã mở nắp sọ thái dương phải của bệnh nhi, gửi ngân hàng mô ở TP Hồ Chí Minh để nuôi nắp sọ; đồng thời, tiến hành cầm máu vùng não dập, vá chùng màng cứng. Ca phẫu thuật được thực hiện thành công sau hơn 2 giờ đồng hồ.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Toàn, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, xuất huyết dưới màng cứng thái dương là dạng xuất huyết cực kỳ nguy hiểm. Trường hợp này nếu chậm phẫu thuật sau 2 - 3 giờ sẽ có nguy cơ tử vong từ 50 - 70%, quá trình hồi sức nặng nề, để lại nhiều di chứng sau này.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Toàn, 1 ngày sau ca phẫu thuật, hồi sức thở máy, cháu H đã tỉnh lại; chưa ghi nhận di chứng não. Dự kiến sau 3 tháng, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật ghép lại xương sọ.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh xuất huyết màng cứng thái dương, phụ huynh nên bổ sung vitamin K1 cho trẻ lúc mới sinh; không rung lắc trẻ dưới 1 tuổi, sử dụng ghế an toàn cho trẻ khi ngồi. Phụ huynh, giáo viên nên theo dõi sát khi trẻ vui chơi ở những vị trí như giường, ghế, cầu thang vì đây là những nơi trẻ dễ bị ngã gây chấn thương; có biện pháp bảo vệ tránh để trẻ bị ngã trong nhà tắm. Cha mẹ phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi ngồi trên xe máy; không được đánh vào đầu hay bất cứ vị trí nào trên người trẻ để hạn chế những tình trạng xấu nhất có thể xảy ra.

Tin, ảnh: Lê Xuân (TTXVN)
Đâu là các dấu hiệu để nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết?
Đâu là các dấu hiệu để nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết có dấu hiệu ban đầu giống với nhiều bệnh khác, dưới đây là hướng dẫn của bác sĩ về các dấu hiệu nhận biết trẻ mắc sốt xuất huyết để điều trị kịp thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN