Cứu sống mẹ con sản phụ có nhau cài răng lược thể nặng, bị xuất huyết ồ ạt

Sản phụ L.D.Y (32 tuổi, ngụ Quận 6, TP Hồ Chí Minh) được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ra huyết âm đạo xối xả, thai 30 tuần với nhau cài lược ở thể nặng, đe doạ đến tính mạng cả mẹ và bé.

Ngày 8/6, TS.BS. Tạ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Y khoa kiêm Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Quốc tế City cho biết, khi vào viện cấp cứu, sản phụ Y. đã mất gần 2 lít máu. Bệnh viện đã nhanh chóng huy động êkip liên chuyên khoa, truyền dịch, truyền máu cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Chỉ sau 5 ngày phẫu thuật, sản phụ L.D.Y đã được xuất viện. Ảnh: BV

Các bác sĩ đánh giá, đây là trường hợp rất khó vì sản phụ có nhau cài răng lược, mạch máu tiền đạo; khi ối vỡ, mạch máu tiền đạo vỡ gây chảy máu không thể cầm được. Êkip bác sĩ đã nhanh chóng đưa sản phụ lên phòng mổ, tiến hành gây mê để phẫu thuật.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Minh Khôi Nguyên, hiện nay tỉ lệ nhau cài răng lược ở sản phụ ngày càng tăng, tỉ lệ thuận với tỉ lệ mổ sinh. Đối với trường hợp của sản phụ L.D.Y đã mổ sinh hai lần trước đó, có nhau tiền đạo, tỉ lệ mắc nhau cài răng lược đối với trường hợp đã sinh mổ 2 lần là 35%, một tỉ lệ rất cao. Sản phụ L.D.Y ở thời điểm thai 30 tuần, trên siêu âm đã ghi nhận tình trạng nhau cài răng lược ở thể Percreta - bánh nhau xâm lấn gần như hết tử cung, là một thể rất nguy hiển.

“Trong tình huống sản phụ nhập viện vào thứ Bảy, ra máu nhiều, bệnh viện đã khẩn trương, kịp thời huy động êkip bác sĩ bao gồm Sản, Gây mê hồi sức, Huyết học, ổn định huyết động của sản phụ trong suốt cuộc mổ”, bác sĩ Phạm Minh Khôi Nguyên thông tin.

Trong 3 giờ hồi sức và phẫu thuật, các bác sĩ đã phối hợp thực hiện mổ sinh và xử lý nhau cài răng lược một cách an toàn để cứu mẹ và con kịp thời. Em bé non tháng với cân nặng 1.750 gam nên đã được chuyển đến bệnh viện chuyên nhi để tiếp tục nuôi dưỡng.

Bác sĩ Thủy cũng cho biết thêm, sản phụ L.D.Y đã rất may mắn khi nhau cài răng lược chỉ giới hạn trong phạm vi của tử cung, vì vậy trong cuộc mổ, vấn đề chảy máu của tình trạng nhau cài răng lược đã được xử lý gọn gàng. Sản phụ bảo tồn được tử cung, không mất máu nhiều trong ca mổ.

Theo các bác sĩ, tình trạng nhau cài răng lược có thể mắc phải ở các sản phụ có vết mổ sinh trước đó hoặc ở những phụ nữ nạo phá thai nhiều lần. Trước đây, nếu sản phụ có nhau cài răng lược thì đồng nghĩa khi sinh sẽ mất máu rất nhiều và nguy cơ cắt bỏ tử cung rất cao. Ngày nay, với sự phát triển của y học, những trường hợp nhau cài răng lược đã được phẫu thuật bảo tồn thành công với tỷ lệ rất cao. Số lượng sản phụ bị cắt tử cung do nhau cài răng lược ngày càng giảm.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bắt đầu mang thai, phụ nữ nên đến các cơ sở y tế, các phòng khám sản khoa uy tín để khám và chẩn đoán sức khỏe thai kỳ để biết thai có phát triển bình thường hay không, phát triển thai qua các giai đoạn như thế nào, vị trí nhau bám bình thường hay bất thường và nhất là tình trạng nhau cài răng lược nếu có.

Các bác sĩ sẽ tiên lượng trước được tình trạng sức khỏe của thai nhi và sản phụ có khả năng lựa chọn. Một khi đã được chẩn đoán nhau cài răng lược, các chị em nên tuân thủ theo lịch khám thai để bác sĩ có kế hoạch và chuẩn bị cho mình những phương pháp điều trị tốt nhất.

Đan Phương/Báo Tin tức
Ra mắt trạm cấp cứu vệ tinh 115, nâng cao năng lực và công suất cấp cứu ngoại viện
Ra mắt trạm cấp cứu vệ tinh 115, nâng cao năng lực và công suất cấp cứu ngoại viện

Ngày 8/6, Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã công bố, giới thiệu mô hình Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại bệnh viện. Mô hình này nhằm nâng cao năng lực và công suất cấp cứu cho người dân thành phố, đặc biệt là cấp cứu đột quỵ và các bệnh lý nguy hiểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN