Cứu sống bệnh nhi 3 tuổi bị đột quỵ não

Tối 5/1, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhi bị xuất huyết não. Đây là một trong những trường hợp nhỏ tuổi nhất ghi nhận đột quỵ não tại bệnh viện này.

Bác sỹ Huỳnh Hữu Danh, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, gần 1 tháng trước, đơn vị này tiếp nhận bé trai tên T.N (3 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) trong tình trạng co giật, hôn mê. Tại đây, các bác sỹ đã thực hiện chụp CT-Scanner sọ não và ghi nhận bệnh nhi có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện. Sau khi được hồi sức ổn định, bệnh nhi được chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ. Kết quả cho thấy, bệnh nhi có túi phình mạch máu não và gây nên tình trạng xuất huyết não.

Sau khi hội chẩn, các bác sỹ quyết định đặt stent chuyển dòng để máu không đi vào túi phình mạch máu, gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Các bác sỹ khéo léo luồn ống thông vào trong mạch máu của bệnh nhân qua lỗ chích kim rất nhỏ ở ngoài da, đi theo các mạch máu đến vị trí túi phình, sau đó thả stent chuyển dòng gây tắc túi phình.

Phương pháp này đã được triển khai tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hơn 2 năm nay. Đây là phương pháp không cần phẫu thuật nhưng có thể giải quyết vấn đề tắc mạch máu não.

Đến nay, bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện.

Theo bác sỹ Huỳnh Hữu Danh, túi phình mạch máu não là bệnh thường gặp và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở người già, lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh lý túi phình mạch máu não ngày càng xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn.

Với trẻ em, phình mạch máu não gây đột quỵ là trường hợp hiếm gặp nhưng không phải không xảy ra. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đây là trường hợp thứ 3 ghi nhận đột quỵ não ở trẻ em. Cách đây vài tháng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 3 tuổi bị nhồi máu não do huyết khối. Và độ tuổi nhỏ nhất mà các bác sỹ nơi đây ghi nhận bị đột quỵ là 3 tuổi.

Bác sỹ Danh cho biết thêm, triệu chứng của bệnh đột quỵ ở trẻ cũng giống như người lớn, đó là méo miệng, yếu tay chân và không nói được, thậm chí nhanh chóng hôn mê, co giật khi xuất huyết não đột ngột. Do bệnh rất hiếm nên đột quỵ ở trẻ em dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác, đặc biệt là các triệu chứng khá giống với viêm màng não, do đó một số trường hợp trẻ bị đột quỵ không được cấp cứu, điều trị kịp thời, để lại hậu quả đáng tiếc. Nếu không được chuyển viện và điều trị kịp thời, khi bi đột quỵ, bệnh nhi có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Do đó, không chỉ đối với người lớn tuổi, phụ huynh cũng cần cẩn trọng với tình trạng đột quỵ có thể xảy ra đối với trẻ em.

Đinh Hằng (TTXVN)
Độ tuổi đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa
Độ tuổi đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa

Chiều 15/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với Công ty TNHH Bayer Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác về nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống đột quỵ tại Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN