Theo bác sỹ Phù Chí Dũng, lúc 19 giờ 30 phút ngày 24/6, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học nhận được phản ánh của thân nhân bệnh nhi Lê Trần Khánh Ch. (4 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh, chẩn đoán: suy tủy) về việc bệnh nhi này được cấp phát và sử dụng thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) đã hết hạn sử dụng. Ngay lập tức Bệnh viện đã dừng y lệnh và kiểm tra lại hạn sử dụng của thuốc.
Qua kiểm tra, lãnh đạo Bệnh viện phát hiện 2 lọ thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) được cấp phát cho bệnh nhi Lê Trần Khánh Ch. có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 1/2020 (trong đó có 1 lọ đã sử dụng xong và 1 lọ đã sử dụng 4ml/100ml thuốc đã pha). Trong khi đó, kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc bệnh viện thì 2 lọ thuốc này lại có hạn sử dụng là 11/2021.
Đối với bệnh nhi, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện cũng đưa ra phương án sẽ tiếp tục bổ sung thêm liều còn thiếu trong liệu trình điều trị. Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Truyền máu – Huyết học khẳng định, việc bổ sung thuốc vẫn đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của liệu trình điều trị. Hiện tại, bệnh nhi vẫn sinh hoạt bình thường, sinh hiệu ổn định và đang được chăm sóc, theo dõi liên tục.
Về ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc hết hạn sử dụng đối với sức khỏe bệnh nhi, bác sỹ Phù Chí Dũng cho hay, thuốc Thymogam là thuốc điều hòa miễn dịch, bản chất là protein, theo thời gian, thuốc sẽ tự phân hủy thành axit amin, không gây ra độc tính cho cơ thể, không làm xấu thêm tình trạng bệnh của bệnh nhi. Phản ứng không mong muốn có thể xảy ra là phản ứng quá mẫn muộn (phản ứng quá mẫn xảy ra sau 12 giờ tính từ khi kháng nguyên xâm nhập vào lần thứ 2) của thuốc Thymogam nói chung trong khoảng 15 ngày đầu sau truyền.