Bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng có chi phí điều trị cao gấp 5 lần mức độ trung bình

Chi phí điều trị của bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nặng và nguy kịch cao gấp 5 lần so với bệnh nhân ở mức độ trung bình. Trong các loại chi phí y tế, chi phí cho điều trị kháng sinh, kháng nấm, xét nghiệm cận lâm sàng, thủ thuật chiếm tỷ lệ cao nhất.

Đó là kết quả nghiên cứu về khảo sát chi phí điều trị bệnh nhân người lớn mắc COVID-9 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), do điều dưỡng Trần Thị Thúy, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy và các đồng nghiệp trong khoa thực hiện báo cáo tại Hội nghị khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2023, tổ chức ngày 18/4.

Chú thích ảnh
Chi phí cho điều trị kháng sinh/kháng nấm, xét nghiệm cận lâm sàng, thủ thuật chiếm tỷ lệ cao nhất trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo điều dưỡng Trần Thị Thúy, viện phí chi trả cho chăm sóc y tế trên bệnh nhân COVID-19 không chỉ là mối quan tâm của cá nhân người bệnh, của gia đình, cộng đồng mà còn là của các nhà quản lý kinh tế y tế, nhà hoạch định chính sách tại một địa phương, một quốc gia hay khu vực.

Từ đó, đặt ra nhu cầu thực hiện một khảo sát tìm hiểu chi phí điều trị COVID-19 với mục tiêu tạo ra nguồn dữ liệu tham khảo ban đầu cho việc đánh giá ảnh hưởng của đại dịch lên nền kinh tế ở các cấp độ khác nhau (cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng...), là tiền đề cho nghiên cứu kinh tế y tế trên các bệnh lý truyền nhiễm và hồi sức tích cực.

Điều dưỡng Trần Thị Thúy cho biết, từ tháng 8/2021 đến tháng 10/2021, tại Bệnh viện Chợ Rẫy có 1.576 người mắc COVID-19 nhập viện điều trị. Nghiên cứu này chọn ngẫu nhiên 351 người bệnh, trong đó mức độ nặng và nguy kịch là 139 người bệnh, mức độ trung bình có 220 người bệnh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng chi phí điều trị trung bình của mỗi bệnh nhân COVID-19 là hơn 55,180 triệu đồng. So với bệnh nhân mức độ trung bình, chi phí điều trị của bệnh nhân mức độ nặng và nguy kịch cao hơn gấp 5 lần. Trong các loại chi phí y tế, chi phí cho điều trị kháng sinh, kháng nấm, xét nghiệm cận lâm sàng, thủ thuật chiếm tỷ lệ cao nhất.

TS. BS.CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hội nghị khoa học thường niên là một trong những hoạt động đào tạo mang lại nhiều hiệu quả trong thời gian qua. Nối tiếp những thành công ấy, hội nghị khoa học thường niên năm 2023 diễn ra với 218 chủ đề ở tất cả các lĩnh vực như Hồi sức cấp cứu, Tim mạch, Lồng ngực - Mạch máu, Tai Mũi Họng, Gan Mật Tụy, Tiêu hóa, Thần kinh, Tiết niệu, Huyết học, Ung thư, Nội tiết, Phỏng, Chấn thương chỉnh hình, Cơ xương khớp, Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh, Sinh hóa, Thăm dò chức năng, Ghép tạng.

Bên cạnh các phiên chuyên đề thường qui, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có cơ hội học hỏi kinh nghiệm trong việc tham dự hoạt động khoa học quốc tế, Bệnh viện đã tổ chức thêm 4 phiên chuyên đề với 32 báo cáo được trình bày bằng tiếng Anh trong hội nghị.

Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy được xem là ngày hội khoa học của ngành Y tế. Sự kiện không chỉ cập nhật những thông tin, kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị mà còn đem đến cho người tham dự nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Hà Nội phân bổ thêm 17.850 liều vaccine AstraZeneca để tiêm cho người dân
Hà Nội phân bổ thêm 17.850 liều vaccine AstraZeneca để tiêm cho người dân

Sở Y tế Hà Nội vừa có Quyết định phân bổ thêm 17.850 liều vaccine AstraZeneca sử dụng để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN