So với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung bất động sản năm nay có dấu hiệu cải thiện. Tại TP Hồ Chí Minh mới, trong 6 tháng đầu năm đã có 13 dự án mở bán mới, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024 (khoảng 5 - 6 dự án). Tuy nhiên, tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh cũ, nguồn cung vẫn cực kỳ khan hiếm khi chỉ có khoảng 5 dự án được mở bán.
Một dự án căn hộ chung cư tại phường An Hội Đông, TP Hồ Chí Minh.
Riêng khu vực Đồng Nai, sau khi sáp nhập với Bình Phước, cũng đang chứng kiến sự trở lại của các nhà đầu tư lớn. Khoảng 2 - 3 dự án tại Biên Hòa đã được tái khởi động, trong đó có sự trở lại mạnh mẽ của những tập đoàn lớn trong lĩnh vực xây dựng nhà ở thương mại.
Một điểm nhấn quan trọng là việc TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt quy hoạch đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2060. Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ được chia thành 6 phân vùng chức năng, trong đó có khu vực ưu tiên phát triển nhà ở để đáp ứng nhu cầu an cư ngày càng tăng. Việc quy hoạch lại không gian đô thị, kết hợp với chủ trương mở rộng địa giới hành chính sau sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đang mở ra cơ hội hình thành thêm quỹ đất lớn cho nhà ở xã hội.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực phía Nam của Batdongsan.com.vn, từ tháng 5 đến tháng 6, lượng tìm kiếm bất động sản bắt đầu phục hồi trở lại, đặc biệt ở các phân khúc có nguồn cung thực ra thị trường. Trong đó, chung cư được xem là điểm sáng khi mức độ quan tâm và khả năng hấp thụ cao hơn rõ rệt so với thời điểm tháng 3.
Ông Tuấn nhận định, nguồn cung căn hộ chung cư chủ yếu đến từ các khu vực giáp ranh TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là Bình Dương, với mức giá dao động từ 35 - 40 triệu đồng/m². Đáng chú ý, khu vực phường Dĩ An, An Phú và Thuận An đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng cả về nguồn cung lẫn giá bán. Cụ thể, giá căn hộ sơ cấp ở đây đã tăng từ mức 40 triệu đồng/m² lên khoảng 50 triệu đồng/m² chỉ trong thời gian ngắn. Những người mua nhà ở thực và nhà đầu tư tìm đến những khu vực có giá mềm hơn nhưng vẫn đảm bảo hạ tầng và tiện ích sống.
Trái ngược với phân khúc chung cư, đất nền đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là phân khúc mang tính đầu cơ cao, thường biến động mạnh theo thông tin quy hoạch và sáp nhập. Tuy nhiên, sau chủ trương sắp xếp lại các tỉnh, thành phố trên cả nước, tại các tỉnh giáp ranh TP Hồ Chí Minh, thị trường đất nền đang bước vào giai đoạn trầm lắng. Nhiều nhà đầu tư chọn cách quan sát, khiến mức độ tìm kiếm và giao dịch giảm rõ rệt, kéo theo giá bán tại một số khu vực cũng bắt đầu điều chỉnh nhẹ.
Trong khi đó, nhà phố riêng lẻ bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Một số dự án có vị trí thuận lợi và hạ tầng kết nối tốt đang ghi nhận mức tăng giá nhẹ. Các nhà đầu tư phía Bắc cũng đang có xu hướng chuyển hướng vào thị trường phía Nam, tạo động lực cầu mới cho phân khúc này.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản kỳ vọng trong thời gian tới, chính sách phát triển nhà ở xã hội sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần điều tiết thị trường và tạo cơ hội tiếp cận nhà ở cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập trung bình, thấp.