Thống kê của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VNREA), các sản phẩm BĐS du lịch được phát triển nhiều nhất trong thời gian qua là: Condotel, shophouse và villas. Đến tháng 9/2021, tại 15 địa phương: Hoà Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang có tổng số 239 dự án BĐS du lịch, với hơn 114.097 căn hộ condotel, ước tính giá trị 297.128 tỷ đồng; 24.399 villas, ước tính giá trị 243.990 tỷ đồng; 30.899 shophouse, ước tính giá trị 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị 3 sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Những con số trên cho thấy sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở lưu trú và sản phẩm BĐS du lịch trong thời gian qua, đặc biệt từ năm 2014 - 2019. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về kinh doanh BĐS du lịch đến nay chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, đã và đang gây lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh đó, sự thiếu nhất quán trong thực thi chính sách, sự chậm trễ của các cơ quan chức năng địa phương trong thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho nhà đầu tư thứ cấp mua các sản phẩm BĐS du lịch đang là vấn đề bất cập, gây “nghẽn” ở nhiều địa phương như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc, Phan Thiết (Bình Thuận), Kiên Giang, Bình Định… Hệ quả là khiến không ít nhà đầu tư bức xúc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng về uy tín, thiệt hại tài chính, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, Chính phủ đã cho phép mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, coi đây là lĩnh vực trọng tâm trong phục hồi và phát triển nền kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngành Du lịch phục hồi dù có tạo ra cơ hội cho BĐS du lịch tăng trưởng trở lại, nhưng nếu không có khung pháp lý hoàn chỉnh, không gỡ được các điểm nghẽn trên, sẽ khó kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp. Ngược lại, nếu BĐS du lịch không có vốn để phát triển và tái khởi động các dự án đang xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường, sẽ khó nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú cho ngành Du lịch.
"Do đó, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiếp cận đa dạng các nguồn vốn và thực hiện hóa các ý tưởng phát triển những dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng đồng bộ, quy mô. Để giúp các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS du lịch phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thị trường BĐS du lịch, việc nhận diện điểm nghẽn pháp lý, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BĐS du lịch hiện nay là cấp thiết”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ khẳng định.
Còn theo PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã mở cửa du lịch và đón khách quốc tế. Thị trường BĐS du lịch sẽ có làn sóng mới cả về du lịch và đầu tư. Xu hướng đầu tư BĐS du lịch của Việt Nam đã có những biến chuyển tích cực, với một số dự án quy mô lớn đã được đón nhận những luồng đầu tư mới. Vấn đề đặt ra là xu thế này có tạo ra những xung lực mới cho thị trường BĐS hay không. Vấn đề này phụ thuộc vào các khung pháp lý hoàn thiện để khơi thông dòng vốn đầu tư vào BĐS du lịch nghỉ dưỡng.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng không chỉ góp phần khai thác tốt nguồn lực đất đai, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ, mà còn tạo ra phân khúc thị trường BĐS mang lại tỷ suất sinh lời cao. Việc kịp thời và chủ động hoàn thiện các căn cứ pháp lý điều chỉnh theo hướng có các quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn, góp phần quản lý, khai thác và phát triển tốt nhất loại hình BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn đầu tư trong phân khúc này, góp phần trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.