Theo đó, Thanh tra Bộ đã có văn bản hướng dẫn Thanh tra Sở Xây dựng 58 địa phương tự thực hiện và lựa chọn thanh tra một số dự án lớn mang tính đại diện. Kết quả thanh tra tại 5 tỉnh cho thấy, trong việc dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những việc đã làm được, hiện vẫn còn một số tồn tại và kiến nghị cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư, nhà đầu tư có biện pháp khắc phục, xử lý.
Cụ thể như việc một số tỉnh còn chậm xây dựng Chương trình phát triển nhà ở và tổ chức lập, phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm theo quy định.
Đáng chú ý, qua kiểm tra một số dự án trên địa bàn đã yêu cầu xác định rõ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong đồ án quy hoạch đô thị, cụ thể tại các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng phải bổ sung đối với diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội vẫn còn thiếu khoảng 20,6 ha.
Theo ông Tuấn, các địa phương cần tiếp tục tổ chức, chỉ đạo việc điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu để xây dựng, điều chỉnh chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chỉ đạo cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất của từng dự án xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để phát triển phân khúc này.
Ngoài ra, việc lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp cần bố trí diện tích ở đất phù hợp để xây dựng nhà lưu trú công nhân; đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các khu nhà ở, tạo chỗ ở ổn định, nâng cao đời sống… Điều này nhằm giúp công nhân an tâm lao động sản xuất, góp phần an sinh xã hội.
Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu tại văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng như: Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về đẩy mạnh phát triển và quản lý nhà ở xã hội (trong đó quan tâm là nhà ở cho công nhân); Văn bản số 3822/BXD-QLN ngày 17/9/2021 về giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Cùng đó, các địa phương cần giao cơ quan chức năng của tỉnh rà soát lại nghĩa vụ tài chính đối với các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền khi Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực.
Sau khi thanh tra theo chuyên đề, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng kiến nghị kiểm điểm đối với 52 tập thể 18 cá nhân để xảy ra các vi phạm, tồn tại liên quan.
Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng ghi nhận 3 nội dung các địa phương đã làm được khi thực hiện dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội. Đó là UBND các tỉnh cơ bản đã triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về nhà ở trong đó đã xây dựng Đề án “Chương trình phát triển nhà giai đoạn năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp cũng đã được nhiều nơi quan tâm thực hiện. Nhiều địa phương đã chỉ đạo điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu để xây dựng, điều chỉnh và lập, ban hành các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; trong đó có nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp hằng năm, trung hạn và dài hạn trên địa bàn.