Sụt lún nghiêm trọng nền sảnh tầng 1 toà nhà N5 khu tái định cư Đồng Tàu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Qua khảo sát thực tế, các hiện tượng thường gặp là vật liệu hoàn thiện như: thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát, sơn tường… xuống cấp nhanh; thấm dột khu vệ sinh hoặc tường ngoài nhà; thang máy hư hỏng; hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo khả năng hoạt động thường xuyên, liên tục; hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà chưa được đầu tư đồng bộ hoặc chất lượng kém…
Bộ Xây dựng chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu khiến nhà tái định cư nhanh xuống cấp là do hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà không được đầu tư đồng bộ, chất lượng hoàn thiện chưa đạt yêu cầu; công tác bảo trì, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng chưa tuân thủ các quy định…
Để khắc phục những tồn tại và tăng cường hơn nữa việc quản lý chất lượng, bảo trì và đảm bảo an toàn cho người dân đang sinh sống tại các khu nhà tái định cư, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương nhập cuộc.
Theo đó, căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương để bố trí quỹ đất và kinh phí đầu tư xây dựng nhà tái định cư trên địa bàn; đảm bảo nguyên tắc các hộ gia đình, cá nhân được bố trí nhà tái định cư có điều kiện ở, sinh hoạt tốt hơn hoặc tương đương với nơi ở cũ, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ.
Chủ đầu tư nhà tái định cư cùng với chủ thể tham gia xây dựng công trình tổ chức quản lý chặt chẽ chất lượng khảo sát, thiết kế, thi công; lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định tham gia xây dựng nhà ở tái định cư – Bộ Xây dựng yêu cầu.
Cùng đó, việc tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình nhà tái định cư phải tuân thủ các quy định pháp luật. Công trình chỉ được đưa vào sử dụng khi đáp ứng được các yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng; lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình.
Về phía chủ sở hữu, quản lý khai thác sử dụng nhà tái định cư, Bộ Xây dựng yêu cầu phải lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình nếu chưa thực hiện; lập quỹ bảo trì và quản lý việc sử dụng kinh phí này theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức bảo trì theo quy trình được phê duyệt.
Thời gian tới, Sở Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần tăng cường kiểm tra quản lý chất lượng của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng nhà tái định cư; xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng và quản lý chất lượng công trình nhà ở tái định cư; hướng dẫn, kiêm tra và hỗ trợ kinh phí (nếu có) để thực hiện duy tu, sửa chữa đối với các nhà tái định cư xuống cấp nghiêm trọng về chất lượng.