Theo các chuyên gia kinh tế, dòng tiền đầu tư vào bất động sản đang tăng lên nhanh chóng khi vàng, trái phiếu doanh nghiệp… đang có xu hướng chững lại, lãi suất ngân hàng lại đang ở mức rất thấp. Tuy nhiên, hiện tượng sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương đã đẩy mặt bằng giá nhà đất lên cao trong khi dòng vốn ngân hàng đang có dấu hiệu chảy mạnh vào bất động sản. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, dòng tiền không chỉ dịch chuyển một phần từ lợi nhuận chứng khoán sang, từ rút tiết kiệm trực tiếp đưa vào, tiền đổ vào bất động sản còn thông qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và “cơi nới” tín dụng của các nhà băng.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú, trong 3 năm qua, tín dụng bất động sản có tín hiệu giảm dần. Đặc biệt, trong năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, tín dụng bất động sản chỉ tăng trưởng 11,89%, trong khi đó các năm 2018 và 2019, tín dụng bất động sản tăng 26 - 28%.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 3/2021, tín dụng bất động sản tăng mạnh 3%, tương đương với mức tăng tín dụng nói chung của cả nước là 2,93%. Dư nợ cho vay bất động sản tại các ngân hàng được ghi nhận đã gia tăng đáng kể. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong tổng dư nợ cho vay 9,46 triệu tỷ đồng của cả nền kinh tế, mảng bất động sản đã lên tới 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%, chiếm 19,5% tổng dư nợ nền kinh tế chảy vào kênh bất động sản.
Tại các ngân hàng thương mại đều có chương trình cho vay mua bất động sản với mức lãi suất ưu đãi từ 1 - 2 năm đầu khoảng từ 7 - 8%/năm và sau đó thả nổi vào khoảng từ 9 - 11%/năm.
“Tôi cho rằng mức lãi suất này khá hợp lý để đầu tư vào bất động sản. Bởi lãi suất ngân hàng hiện đang quá thấp, vàng hay chứng khoán cũng đã đến ngưỡng khó có thể mang lại lợi nhận cao. Trong khi đó đầu tư nhà đất có thể mang lại kỳ vọng mức sinh lời cao”, chị Nguyễn Thị Thúy một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dư nợ cho vay bất động sản hiện khá lớn, nên khi thị trường có sự biến động thì sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng. Đặc biệt khi lãi suất cho vay đang thấp nên nhiều người vay để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản..., điều này dễ dẫn đến nguy cơ “bong bóng” bất động sản.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm và quán xuyến kiểm soát chặt dòng tiền vào lĩnh vực rủi ro nói chung, đặc biệt đối với tín dụng bất động sản nói riêng. Nên nguyên nhân thị trường bất động sản tăng không phải xuất phát từ tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều công cụ giám sát dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản như: hạn chế tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa là 40%. Cùng với đó, áp dụng tỷ lệ hệ số rủi ro 150% với các khoản vay có dư nợ trên 4 tỷ đồng mà cá nhân vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên theo dõi giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro và cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng để điều chỉnh kịp thời các khoản vay.
Để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, Phó Thống đốc cho rằng, bên cạnh Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng bất động sản thì cũng cần thêm chính sách đồng bộ của các bộ ngành chức năng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khuyến cáo các nhà đầu tư, nên nghiên cứu, nắm bắt thông tin đầy đủ, nhất là các thông tin chính thống để đưa ra quyết định đầu tư một cách hợp lý, tránh trường hợp khi giá đất tăng thì nhiều người hay đổ xô đi mua, còn khi thị trường trầm lắng thì lại đổ xô đi bán dẫn đến thiệt hại lớn.