Ngăn bong bóng bất động sản tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc

Từ khi có chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang nơi có các đặc khu đang trở thành thị trường hấp dẫn, thu hút lượng khách đến đầu tư khá lớn. Nhiều nhà đầu tư đã “nhanh chân” chớp lấy cơ hội để đẩy giá đất tại các địa bàn trên “lên trời”...

5 văn phòng và sàn giao dịch bất động sản ở xã Hạ Long (Vân Đồn) đều đóng cửa sau lệnh tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất cho các tổ chức, dự án và tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn Vân Đồn. Không còn hiện tượng cò đất, tư vấn đất đai ở xã Hạ Long. Ảnh: Văn Đức/TTXVN

Trước tình hình bất ổn này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại quy hoạch, thực hiện quản lý chặt chẽ đối với đất đai tại các đặc khu kinh tế, không để xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản tại các địa phương này.

Diễn biến phức tạp

Một trong những thị trường bất động sản đang khá “hot” là Vân Đồn (Quảng Ninh) với các sản phẩm được giao dịch chủ yếu là đất nền và đất thổ cư tại các vị trí trung tâm. Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội bất động sản, tổng lượng giao dịch loại hình sản phẩm này tính trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 800 giao dịch. Sản phẩm được giao dịch chủ yếu từ các dự án có pháp lý và quy hoạch rõ ràng.

Nhu cầu mua đất thổ cư của các nhà đầu tư tương đối lớn, nhưng vẫn có nhiều khách hàng và nhà đầu tư chờ đợi chính quyền công bố quy hoạch mới về đặc khu nên còn dè chừng. Đáng chú ý, tại Vân Đồn vẫn có nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết, đi gom đất và sử dụng các môi giới không chuyên đưa thông tin, quy hoạch không chính xác, chào bán và đẩy giá cao. Điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thị trường bất động sản khu vực này.

Còn tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tình hình vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật; lấn, chiếm đất rừng; tự ý phân lô, tách thửa; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, san lấp, xây dựng trái phép diễn ra phổ biến, phát sinh nhiều hệ lụy, bất cập. Tình trạng đầu cơ gây sốt đất, tăng giá đột biến để trục lợi diễn biến khó lường, gây khó khăn cho quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn và ảnh hưởng lớn đến quy hoạch tổng thể phát triển huyện đảo Phú Quốc, nhất là từ khi có chủ trương thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.

Theo báo cáo của UBND huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), do thông tin địa phương chuẩn bị trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong nên các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh đã tìm đến giao dịch, thực hiện mua bán, chuyển nhượng đất tràn lan, đẩy giá đất tăng lên đột biến. Chỉ trong quý I/2018, địa phương đã tiếp nhận và giải quyết 2.253 hồ sơ về đất đai, bằng 65,3% tổng số hồ sơ cả năm 2017; trong đó, việc giao dịch chuyển nhượng đất đai chủ yếu diễn ra tại các xã Vạn Hưng, Vạn Khánh, Vạn Thắng và Vạn Thọ.

Siết chặt quản lý

Dự án cáp treo An Thới - Hòn Thơm (Phú Quốc) dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2018. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Trước tình hình phức tạp về giá đất đai tại các địa phương trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ba tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường. Đồng thời, phải bảo đảm trật tự xã hội, không để "cò đất", "xã hội đen" mua bán đất lộng hành trên địa bàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu phải dồn nỗ lực vào công tác quy hoạch để có một quy hoạch dài hơi, thực sự có chất lượng. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, kể cả nhân lực quản lý và các ngành nghề được xem là ưu tiên phát triển. Đồng thời quan tâm vấn đề chọn nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán đất đai, xây dựng trái phép, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất cho các tổ chức, dự án và tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn Vân Đồn. Trường hợp đặc biệt phải báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết, Quảng Ninh đã xác định tăng cường quản lý chặt chẽ công tác đất đai trên địa bàn. Thời gian qua, tỉnh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm lấn chiếm, giao dịch, chuyển đổi đất đai… nhằm mục tiêu trục lợi, tạo hiện tượng “sốt” giá đất.

Tỉnh Kiên Giang cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp chấn chỉnh quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình đất đai trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, ngăn ngừa những hệ lụy có thể xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của Phú Quốc.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND huyện Phú Quốc tạm dừng ngay việc cho phép các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Phú Quốc cho đến khi Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt có hiệu lực và quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chính thức. Trường hợp cấp bách, cần thiết thì báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh xem xét.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng hữu quan và huyện Phú Quốc tăng cường thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc. Đồng thời, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chức năng và từng thành viên chịu trách nhiệm thực hiện những phần việc được giao.

Ngoài ra, tỉnh cũng xử lý những tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào khai thác; rà soát lại diện tích đất rừng sau khi điều chỉnh quy hoạch do UBND cấp xã quản lý để quản lý chặt chẽ hoặc trình cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, các đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích, buộc đối tượng vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc, chỉ thị cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong và UBND huyện Vạn Ninh tham mưu, dự thảo văn bản cho UBND tỉnh về việc chỉ đạo tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh cho đến khi quy hoạch chung xây dựng Đơn vị hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra các dự án lớn; các dự án có dấu hiệu đầu cơ, trục lợi, tăng giá đất; làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý, trách nhiệm người đứng đầu. Đối với các xã, thị trấn là đơn vị quản lý trực tiếp về đất đai, phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của tỉnh, những trường hợp nào vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho việc vi phạm về quản lý đất đai, sẽ xử lý nghiêm minh.

Nhóm PV TTXVN
Đặc khu kinh tế - Cực tăng trưởng mới
Đặc khu kinh tế - Cực tăng trưởng mới

Theo dự kiến, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, khóa XIV. Đây là lần đầu tiên, đạo luật được xây dựng cho ra đời chính thức 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở 3 miền: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN