Giao quyền quyết định cho người đứng đầu đặc khu để đảm bảo tính vượt trội

Liên quan đến dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải giao quyền quyết định cho người đứng đầu đặc khu kinh tế để đảm bảo tính vượt trội.

Bên hành lang Quốc hội chiều 24/5, phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa): Quan trọng nhất là lựa chọn người đứng đầu

Đây là mô hình mang tính vượt trội nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo những thủ tục hành chính nhanh gọn. Tôi cũng rất hoan nghênh cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, tiếp thu rất đầy đủ phần việc làm, an sinh xã hội trong dự thảo Luật này.

Đặc khu là một điểm mới, một tiền lệ chưa từng có ở Việt Nam và đây là vấn đề khó. Quan điểm của chúng ta là đang tìm ra nhân tố vượt trội để thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả 3 miền. Chính vì thế, vai trò của đặc khu là cực kỳ quan trọng. Trong khi đó, chúng ta chưa có kinh nghiệm, hiện mới chỉ học tập kinh nghiệm quốc tế, còn khi vận hành sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Do đó, cần phải bình tĩnh để xử lý mọi vấn đề một cách bài bản và điều chỉnh dần dần.

Tôi cho rằng, người đứng đầu đặc khu là quan trọng nhất và cũng phải giao toàn quyền quyết định cho Chủ tịch đặc khu trong mọi vấn đề như: thu hút đầu tư, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, chuẩn nghèo... Người đứng đầu đặc khu phải là người có tâm, có tài, có đức, có trách nhiệm.

Nhưng vẫn có một điểm cần phải lưu ý là dự thảo Luật này mới chỉ ưu tiên về kinh tế, còn vấn đề xã hội chưa thấy rõ. Do đó, cần phải có cơ chế để phát triển nguồn nhân lực tại đặc khu. Muốn được như vậy cũng phải có cơ chế cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, tiểu học, mầm non. Bởi, hiện 80% lao động tại 3 đặc khu này là nông nghiệp. Vậy, nếu không chuẩn bị tốt cho nguồn nhân lực tại đây thì khó có thể phát triển, bởi trình độ người dân ở đây vẫn còn thấp.

Do đó, cần phải cho Chủ tịch đặc khu được quyết định về các vấn đề đó; tạo động lực phát triển tương đồng với các chính sách về kinh tế, đảm bảo tính vượt trội trong đặc khu.

Tóm lại, nên giao quyền cho Chủ tịch đặc khu và tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra, điều chỉnh để cho Chủ tịch đặc khu đi đúng định hướng và đảm bảo lợi ích của đặc khu.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu): Quan tâm đến sự ổn định chính sách

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Minh Tuấn phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Điều tôi quan tâm nhất là khi có đặc khu kinh tế, nhà đầu tư khi đi đến tìm hiểu đầu tư sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất. Tức là từ khi đến tìm hiểu đầu tư đến khi làm thủ tục, khởi công dự án nhà đầu tư không cần phải đi đến bộ, ngành nào khác mà chỉ cần làm việc với chính quyền đặc khu là giải quyết được hết công việc. Đây là điều đại biểu quốc hội, cử tri quan tâm nhất. Xây dựng đặc khu kinh tế phải hướng tới được sự nhanh gọn về thủ tục đầu tư.

Vấn đề thứ hai là trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt có quy định những cơ chế chính sách hỗ trợ, ví dụ hỗ trợ về thuế, đất đai, tài chính… Tuy nhiên, qua tìm hiểu một số đặc khu kinh tế đã thành công trên thế giới thì điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất là sự ổn định của chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng, một bộ máy hoạt động hiệu quả của chính quyền đặc khu đó.

Liên quan đến thời gian giao đất 99 năm tại các đặc khu kinh tế trong dự thảo Luật này, tôi cho rằng đây là việc bình thường. Chẳng hạn nếu nói thời gian thì 50, 70 năm cũng là thời gian lâu rồi. Chúng ta phải hiểu rằng không đơn giản mà Chính phủ lại quyết cho thuê đất tại các đặc khu kinh tế tới 99 năm. Khi quy định điều này các cơ quan chức năng đã phải cân nhắc rất kỹ. Điều này tôi cho rằng cũng không có gì quá lo lắng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Tạo ra được tính vượt trội trong thử nghiệm một cơ chế mới

Trước hết, ta phải khẳng định tư tưởng về việc ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo đại biểu quốc hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về việc khi ban hành luật trong thời điểm này đã đảm bảo đủ khả năng để quản lý điều tiết 3 đặc khu đó thành công hay chưa.


Nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta ban hành luật về 3 đặc khu, do đó sẽ không thể đòi hỏi có được đạo luật hoàn hảo ngay từ đầu. Nhưng về mặt tư tưởng thì luật này phải đảm bảo được 2 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là tạo ra được tính vượt trội để qua đó tạo ra được những thử nghiệm cho một cơ chế mới thu hút đầu tư, giúp khai phá nội lực cho sự phát triển. Đây chính là bài học để chúng ta ứng dụng cho các khu vực khác bên ngoài đặc khu.

Đồng thời, trong quá trình thực hiện có thể có những điểm chưa thực sự hoàn hảo thì chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh. Thậm chí có thể phải chỉnh sửa luật sau một thời gian thi hành nào đó. Điều này cũng đã xảy ra tại một số đặc khu kinh tế tại các nước trên thế giới.

Nguyên tắc thứ hai là luật này phải lường trước được những lỗ hổng quá lớn nếu ban hành vào thời điểm này. Để đảm bảo những lỗ hổng đó trong tương lai nếu muốn điều chỉnh sẽ không bị vướng điều gì. Do vậy, trước mắt Ban soạn thảo cần thận trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp và chỉnh sửa cần thiết.

Chúng ta phải dám đột phá, dám cởi mở. Chẳng hạn như trước kia, để thu hút đầu tư nước ngoài chúng ta đã ban hành Luật Đầu nước ngoài trong một khuôn khổ mới với nhiều e ngại. Nhưng hiện tại đã chứng minh chính những đột phá đó đã tạo ra sự thay đổi của đất nước từ trạng thái nền kinh tế bó gọn sang một nền kinh tế mở. Hiện tại, chúng ta cũng kỳ vọng 3 đặc khu này sẽ tạo ra những cơ chế mới, xung lực mới cho nền kinh tế.

Với việc bỏ ra khoảng 20% số vốn trên tổng nguồn vốn 1,5 triệu tỷ đồng dự kiến được đầu tư vào 3 đặc khu này, Nhà nước sẽ tạo ra vốn mồi để đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc giải phóng mặt bằng. Qua đó tạo tiền đề cho các nhà đầu tư tham gia vào đầu tư một cách thuận lợi nhất.

Như vậy, Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra không phải là làm thay cho nhà đầu tư mà chỉ là tạo ra tiền đề để nhà đầu có thể bỏ vốn vào hoạt động một cách hiệu quả, thuận lợi.

Quang Toàn - Thành Trung/TTXVN (thực hiện)
Thông cáo số 3, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Thông cáo số 3, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Ngày 23/5/2018, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN