Trong báo cáo mới nhất của mình, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Mỹ) dự đoán sức ép lên giá nhà mới tại Trung Quốc sẽ giảm dần từ nay cho tới cuối năm nhờ doanh số bán nhà tăng và lượng nhà chưa bán được giảm.Cụ thể, Moody’s cho biết giá bán nhà tại Trung Quốc trong tháng Bảy tiếp tục phục hồi tại 70 thành phố lớn nhất của nước này, chỉ với 29 thành phố ghi nhận đà giảm, so với mức 34 thành phố hồi tháng Sáu. Đáng chú ý, giá nhà mới tại Thâm Quyến, Thượng Hải và Bắc Kinh phục hồi mạnh nhất, lần lượt ở các mức 24%, 3,6% và 1,2%.
Các tòa nhà chung cư thấp và cao tầng tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Mặc dù tổng lượng nhà chưa bán được ở Trung Quốc hiện vẫn đang ở mức cao, tuy nhiên tại một số thành phố như Hàng Châu và Hạ Môn đã ghi nhận nguồn cung nhà ở giảm trong tháng Bảy.
Theo Moody’s, doanh số bán nhà tại Trung Quốc sẽ tăng trong thời gian tới là nhờ Chính phủ triển khai các chính sách tiền tệ từ nửa cuối năm ngoái.
Những chính sách này, bao gồm việc tăng cho vay thế chấp, giảm tiền trả trước một phần khi mua nhà và giảm lãi suất cho vay thế chấp ngân hàng đối với người mua nhà đã qua sử dụng, sẽ giúp tăng doanh số bán nhà trong 12 tháng tới, đồng thời cũng sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định của thị trường bất động sản Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, Moody’s cũng cảnh báo rằng động thái hạ giá đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh vừa qua sẽ đặt ra thách thức đối với giới đầu tư bất động sản Trung Quốc trong thời gian tới, khi họ vốn đã phải đối mặt với khoản nợ ngoại tệ lớn – đa số là bằng đồng USD.
Trước đó, nhà kinh tế trưởng Zhao Yang tại Nomura, nhận định doanh số bán nhà sẽ tăng trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời giá nhà tại các thành phố cấp ba và cấp bốn sẽ thoát "đáy" trong quý II.
Đầu tư bất động sản, chiếm khoảng 20% GDP Trung Quốc, đã tăng trưởng chậm lại trong bốn tháng đầu năm 2015 và có thể chỉ tăng dưới 5% trong cả năm, so với mức tương ứng 10,5% năm 2014, theo ông Zhao.
Trung Quốc áp mức trần nợ của các địa phương ở mức 16.000 tỷ NDTNhằm kiểm soát việc vay mượn của các địa phương, Trung Quốc đã áp mức trần nợ của các địa phương trong năm nay ở mức 16.000 tỷ NDT (2.500 tỷ USD) theo quy định vừa được Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) thông qua cuối tuần qua.
Con số trên được bao gồm số nợ 15.400 tỷ NDT của các địa phương tính đến cuối năm ngoái và 600 tỷ NDT mà các địa phương được phép vay thêm trong năm nay.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch đánh giá động thái trên sẽ tạo niềm tin về khả năng trả nợ của các chính quyền địa phương và thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc tăng cường quản lý nợ của các địa phương trong nỗ lực lớn hơn nhằm giải quyết vấn đề nợ.
Trước đó, NPC đã thông qua việc mở rộng chương trình hoán đổi nợ với lãi suất cao của các chính quyền địa phương sang trái phiếu lãi suất thấp trong năm 2015, từ 2.000 tỷ NDT lên 3.200 tỷ NDT, một động thái giúp làm giảm gánh nặng nợ của các chính quyền địa phương mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.
Theo Luật ngân sách cũ, các chính quyền địa phương bị cấm phát hành trái phiếu. Nhưng trên thực tế, các chính quyền địa phương tìm cửa để huy động vốn bằng việc vay ngân hàng và phát hành trái phiếu thông qua các công cụ riêng, và nguồn tiền này không được giám sát.
Theo Luật ngân sách mới và một quy định của Chính phủ, 32 khu vực cấp tỉnh sẽ được vay mượn nhưng với một hạn ngạch do chính phủ đề ra và được trình lên NPC thông qua.
Trung Quốc đang nỗ lực kiềm chế nợ của các chính quyền địa phương sau giai đoạn đầu tư lớn bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Số nợ năm 2014 của các chính quyền địa phương tăng 40% so với con số tính đến cuối tháng 6/2013 và gấp 1,2 lần so với ngân sách 2014.