Kích hoạt thị trường BĐS
"Ngoài các giải pháp ứng phó với khó khăn trước mắt do dịch COVID-19, điều các doanh nghiệp địa ốc cần tính tới là câu chuyện thích nghi với sự thay đổi thị trường BĐS sau dịch. Dù đang bị ảnh hưởng mạnh, nhưng thị trường BĐS vẫn được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch", đại diện JLL Việt Nam cho biết.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Tập đoàn cung cấp các dịch vụ BĐS trên thế giới tại Việt Nam (Savills Việt Nam), phân tích kỹ hơn về xu hướng thị trường BĐS trong mùa dịch, những nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm ở lĩnh vực này chắc chắn sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Mặc dù cách phân bổ dòng tiền của nhà đầu tư sẽ theo xu hướng chắc chắn, an toàn hơn, nhưng bỏ tiền vào BĐS cũng chính là cách tăng giá trị tài sản nhanh nhất.
Do đó, các nhà đầu tư cần linh hoạt, không nên có tâm lý để tiền "ngủ đông", đưa tiền ra thị trường để lưu thông, bởi Chính phủ chỉ có thể đưa ra chính sách kích cầu cho thị trường BĐS khởi sắc trở lại, chứ không thể cứu thị trường khi không có sự chung tay của các nhà đầu tư.
Nhìn nhận về câu chuyện hậu COVID-19, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng, để chuẩn bị cho việc quay trở lại một cách mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát, ở thời điểm hiện tại, các chủ đầu tư nên tập trung vào việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cùng với các cơ quan quản lý tháo gỡ những dự án đang ách tắc của giai đoạn trước, để khi thị trường hồi phục thì có thể triển khai dự án, có nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của khách.
Ông Nguyễn Văn Đính cũng nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp cần thể hiện tinh thần đồng hành cùng Chính phủ để vực dậy thị trường. “Nhà nước, Chính phủ đã có các hỗ trợ, doanh nghiệp cũng phải đồng hành cùng Nhà nước, có động thái quyết liệt trong việc phối hợp tháo gỡ khó khăn, triển khai dự án, tránh lãng phí. Các doanh nghiệp BĐS cần tiết kiệm nguồn lực để phát huy hiệu quả hoạt động”, ông Đính nói.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và gây ra những tác động không nhỏ cho thị trường và giới đầu tư địa ốc, nhưng đây cũng là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tăng cường đào tạo nội bộ, tính toán, điều chỉnh sản phẩm và chiến lược để tăng khả năng thích ứng với một thế giới nhiều biến động.
"Phú Long đang thực hiện đồng thời nhiều giải pháp ứng phó với trong và cả cho giai đoạn sau dịch. Công ty đang huấn luyện nội bộ để nâng cao chất lượng quản lý, vận hành các dự án, cải tạo các khu nghỉ dưỡng để có thể phục vụ tốt nhất khách hàng sau khi dịch. Ngoài ra, Phú Long cũng đang quyết liệt thực hiện chiến lược doanh nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên và con người, trong đó, ưu tiên phát triển các công trình xây dựng hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, hòa nhập văn hóa địa phương và ứng dụng các công nghệ 4.0. Dịch COVID-19 là khoảng lặng cần thiết để các doanh nghiệp BĐS nâng cao công tác quản trị để hoàn thành, đưa vào các sản phẩm chất lượng, phục được thượng đế”, đại diện Phú Long chia sẻ.
Phân khúc BĐS bình dân quay trở lại mạnh mẽ
Quan sát diễn biến thị trường, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội sẽ có sự quay trở lại mạnh mẽ. Trong khi các phân khúc cao cấp, hạng sang và BĐS du lịch, BĐS nghỉ dưỡng cần khoảng thời gian dài hơn để ra mắt các sản phẩm uy tín, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu các khách hàng khó tính trên thị trường.
Lý giải về điều này, các chuyên gia BĐS phân tích, loại hình căn hộ giá thấp, bình dân và nhà ở xã hội sẽ sớm được người dân có nhu cầu thiết yếu tiếp cận trở lại. Nhóm khách hàng này sẽ tiếp cận thị trường ngay khi dịch bệnh được khống chế, vì nguồn cung gắn với nguồn cầu thật. Các phân khúc loại hình BĐS cáo cấp khác cần phải có độ trễ dài hơn, vì khách hàng của những phân khúc cao cấp thuộc nhóm đối tượng có thu nhập cao, thường đã có nhà ở, còn thanh khoản, chủ yếu phục vụ mục đích đổi sang nhà tốt hơn, chất lượng hơn, chứ không phải là nhu cầu thiết yếu.
“Phân khúc căn hộ cao cấp, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thị trường chủ yếu là giới đầu cơ, nên mức tăng giá với sản phẩm này không nhiều, chủ yếu đi ngang để ổn định giá. Còn riêng với đất nền, do đặc thù triển vọng tăng giá cao tại các khu vực có quy hoạch và hạ tầng tốt, sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và sau dịch”, ông Đính nhận định.
Về triển vọng của phân khúc BĐS du lịch, theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, ngành Du lịch Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Tuy nhiên, khi nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực, các sự kiện trước đây đã chứng minh rằng, du lịch là ngành có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác. Bên cạnh đó, Việt Nam đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019). Đây được xem là yếu tố có lợi bởi sau đại dịch, có thể là những nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại. Chính vì vậy, cần giữ thái độ lạc quan cùng với tầm nhìn dài hạn.
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, BĐS lại là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, hơn lúc nào hết, giờ là lúc các nhà đầu tư thị trường phải tự đưa ra cho mình các giải pháp ứng phó nhanh để vượt qua giai đoạn khó khăn, sau đó có đủ tiềm lực trở lại mạnh mẽ. Nhưng trên hết, giờ là lúc các nhà đầu tư cần đồng lòng, đoàn kết để ổn định, chờ kích hoạt thị trường.