Chính vì vậy, các tỉnh thành trong khu vực đều từng bị nạn “sốt đất ảo”, bị các “cò” thổi giá đất tại các khu vực ven biển, ven sông… Hiện nay các địa phương, các doanh nghiệp đang nỗ lực ổn định thị trường, phát huy thế mạnh tự nhiên để khôi phục lại vị thế của bất động sản Trung Trung Bộ.
Sau cơn “sốt đất”
Tại tỉnh Quảng Trị, cơn “sốt đất” bắt đầu từ giữa tháng 11/2021, khi Tập đoàn Vingroup đấu trúng lô đất dự án Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ Nam Đông Hà (phường Đông Lương, thành phố Đông Hà). “Ăn theo” dự án này, giá đất ở khu vực lân cận tăng phi mã gấp 5-7 lần, nhất là đường Đại Cồ Việt, Trương Công Kỉnh, lúc cao nhất có giá đến 70 - 80 triệu đồng/m2.
Từ đây, cơn sốt đất lan sang các khu đô thị khác ở thành phố Đông Hà như Bắc sông Hiếu, Nam Đông Hà, Khu đường Trần Bình Trọng, rồi lan rộng ra các phường ven thành phố. Trong thời gian ngắn, cơn sốt đất bùng phát và lan rộng ra các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa... khiến nhiều cá nhân, gia đình lao vào các cuộc mua bán đất bất chấp rủi ro.
Từ nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản tại Quảng Trị chững lại và bắt đầu tụt dốc, chỉ còn thấy người bán đất, không còn người mua. Cơn “sốt đất ảo” ở Quảng Trị đã làm méo mó thị trường bất động sản, không phản ánh đúng năng lực của nền kinh tế, sức mua trong dân. Đặc biệt những người có nhu cầu thực sự về đất ở không thể mua được đất cũng sẽ gây những hệ lụy phức tạp về an sinh xã hội.
Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đang lao đao sau cơn “sốt đất”, bởi không có người tham gia các phiên đấu giá đất từ đầu năm đến nay. Không chỉ dư thừa, ế ẩm sau cơn “sốt đất” vừa qua ở Quảng Trị, nhiều mặt bằng dự án sau khi được quy hoạch đã bán cho người dân nhưng tỷ lệ dân đến ở rất thấp, gây lãng phí.
Năm 2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị được giao thu từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất là 350 tỷ đồng, nhưng sau nửa năm mới chỉ thực hiện được gần 43,5 tỷ đồng (đạt 12,4% kế hoạch). Theo ông Phan Đăng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị, sau cơn sốt đất ảo, sức mua giảm, số lượng người tham gia đấu giá còn rất ít.
Đơn cử, tại phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở ngày 20/5 vừa qua chỉ đấu giá thành công 7/37 lô. Hiện giá đất tại các khu quy hoạch đấu giá trên địa bàn thành phố Đông Hà đã giảm sâu, gần bằng trước khi “sốt đất”.
Còn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, “cơn sốt” bất động sản tại đã nóng lên nhanh chóng trong các năm 2019-2021. Thị trường bất động sản lúc bấy giờ luôn trong tình trạng sôi động. Đầu năm 2021, bất động sản khu vực trung tâm thành phố Huế ghi nhận tăng giá từ 10-15% so với thời điểm cuối năm 2020; sau đó tăng đột biến từ 30-40%, có nơi tăng gấp đôi.
"Sốt đất" ảo nhưng lại tạo ra những hệ lụy thật, làm cho người dân địa phương lao đao. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (phường Thủy Biều, thành phố Huế) chia sẻ, sau nhiều năm sống chung với bố mẹ, vợ chồng chị rất mong muốn mua đất, xây riêng cho mình một căn nhà và thiết kế mảnh vườn trồng cây ăn quả kiếm thêm thu nhập. Nhưng đất tăng giá chóng mặt khiến ước mơ của chị đang ngày trở nên xa vời.
Tình trạng “sốt đất” còn khiến chính quyền địa phương đau đầu trong việc quản lý quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng hay thu hút đầu tư… Giá đất tăng nhanh đã khiến các nhà đầu tư cũng phải cân nhắc bài toán hiệu quả kinh tế khiến một số dự kiến đầu tư dự án cũng bị ảnh hưởng.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Phước Bửu Hùng cho biết, nhằm chấn chỉnh các tình trạng trên, tỉnh đã ban hành các chỉ thị, công văn nhằm tăng cường quản lý giá đất và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại thành phố Huế.
Sau nhiều làn sóng gây sốt, hiện nay, giá trị bất động sản tại Thừa Thiên - Huế đang dần trở về với giá trị thực của nó. Đây là thời điểm mà những người thực sự có nhu cầu mới giao dịch mua bán bất động sản và cũng là thời điểm vàng đối với những nhà đầu tư chân chính để lựa chọn được bất động sản có giá hợp lý.
Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng, chất lượng cao
Theo các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hiện nay phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng tại khu vực Trung Trung Bộ vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, là thế mạnh đang cần được khai thác. Tỉnh Thừa Thiên - Huế định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh có hơn 30 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã và đang được kêu gọi đầu tư, trải dài theo ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc.
Ông Trần Khánh Toàn, Giám đốc Công ty bất động sản Redland cho biết, tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng tại Thừa Thiên - Huế rất lớn bởi địa phương nổi tiếng là điểm đến du lịch xanh với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh; đặc biệt du lịch sinh thái sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
“Định hướng phát triển của Thừa Thiên - Huế là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, do đó cơ sở hạ tầng sẽ được nâng cao, đầu tư đồng bộ trong tương lai. Quỹ đất còn rất nhiều cho nhà đầu tư như khu vực đô thị An Vân Dương, trục đường Võ Nguyên Giáp…; cơ chế thu hút nhà đầu tư cởi mở, được quan tâm sẽ là những động lực để các doanh nghiệp xem xét đầu tư vào Thừa Thiên - Huế”, ông Trần Khánh Toàn chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng Giám đốc Sun Property (thành viên Sun Group) cho rằng, thị trường bất động sản Đà Nẵng rất giàu tiềm năng. Với sự phục hồi của ngành du lịch sau dịch bệnh, giới bất động sản tại Đà Nẵng sẽ hướng sự chú ý tới các khu vực trung tâm, ven sông và nơi tập trung đông du khách.
Tương lai phát triển cho thị trường bất động sản tại Đà Nẵng được bảo chứng bởi các yếu tố như: kinh tế vĩ mô ổn định với mũi nhọn du lịch đang phục hồi; quy hoạch hai bên bờ sông Hàn và sự gia tăng dân số mạnh mẽ. Về cơ cấu sản phẩm, thành phố Đà Nẵng đang đi theo xu thế xoay trục sang dòng bất động sản đô thị đáp ứng nhu cầu sống chất lượng cao. Đà Nẵng có dư địa lớn để phát triển những loại hình đô thị theo mô hình mới như đô thị thông minh, đô thị xanh ven sông, tổ hợp bất động sản hiện đại đầy đủ tiện ích, đáp ứng yêu cầu an cư và kinh doanh.
Trong khi đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tỉnh Quảng Trị thời gian gần đây cũng bắt đầu có những dấu hiệu phát triển và được giới đầu tư “để mắt” nhờ sự xuất hiện của dự án lớn.
Chẳng hạn như: Cao tốc Cam Lộ - La Sơn; Cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh; Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…
Nhận định chung về tiềm năng tại các tỉnh, thành khu vực Trung Trung Bộ, ông Nguyễn Tấn Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Eco Real cho rằng đây là nơi có nhiều dư địa để phát triển bất động sản với các lợi thế như nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng được chú trọng, các quỹ đất còn nhiều và môi trường đầu tư ngày càng ưu đãi và thuận lợi.
Hiện tại, doanh nghiệp, nhà đầu tư đang kỳ vọng vào các gói hỗ trợ lãi suất với sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ. Một khi lãi suất ngân hàng có sự điều chỉnh tích cực cộng với tâm lý nhà đầu được cải thiện sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong việc đưa ra các phương án hoạt động kinh doanh.
Bài cuối: Hỗ trợ, khơi thông nguồn lực