Hà Nội:

Giải quyết tranh chấp phát sinh tại các khu chung cư mới

Quận Hà Đông có tốc độ phát triển đô thị hóa tương đối nhanh. Hiện tại, 18 khu chung cư, khu đô thị mới, khu nhà ở có chung cư cao tầng đã đưa vào sử dụng. Trong đó, có 9 khu chung cư cũ đã tồn tại từ trước và phần lớn đã bán thanh lý theo Nghị định 61/CP của Chính Phủ, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; 9 khu đô thị mới, khu nhà ở mới với 35 tòa nhà cao tầng được hình thành từ việc cụ thể hóa quy hoạch chi tiết.

Quận đã quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các phòng ban chuyên trách, các cấp chính quyền, đoàn thể thành lập các Ban quản trị (BQT) tại các nhà chung cư , thành lập tổ dân phố; kiểm tra giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh theo đúng thẩm quyền; đồng thời phối hợp với các chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý các tòa nhà, BQT giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến bảo trì, vận hành, xây dựng nội quy quản lý, đảm bảo trật tự an ninh và phòng chống cháy nổ…

Các khu chưng cư mới phát sinh nhiều vướng mắc về quản lý, sử dụng cần được giải quyết kịp thời. Trong ảnh: Các tòa chung cư khu vực đường Trần Duy Hưng (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Lâm-TTXVN

 

Đặc biệt, UBND quận tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các giao dịch hành chính trên địa bàn phường và sinh hoạt theo địa bàn tổ dân phố đảm bảo thuận tiện, phù hợp với quy định.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng, công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn quận cũng như các địa phương khác ở Hà Nội đang tồn tại những bất cập, vướng mắc gây khó khăn cho các cấp chính quyền trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với các khu chung cư cũ được xây dựng cách đây 20 đến 30 năm (hiện đã xuống cấp nghiêm trọng), mặc dù một số doanh nghiệp đã được UBND TP giao khảo sát, nghiên cứu, lập dự án cải tạo, xây dựng mới nhưng tốc độ triển khai vẫn còn rất chậm.

Một số đơn vị quản lý chưa tiến hành thanh lý nhà theo Nghị định 61/CP, cộng với việc các hộ gia đình mua bán, chuyển nhượng không thông qua chính quyền địa phương cũng dẫn đến những khó khăn trong lĩnh vực quản lý nhà nước.

Đáng lưu ý là hiện nay toàn bộ các khu chung cư cao tầng mới hoàn thành, đưa vào sử dụng trên địa bàn quận đều do các chủ đầu tư quản lý, vận hành khai thác sử dụng, không thực hiện công tác bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vận hành tòa nhà và bàn giao quản lý hành chính cho các đơn vị quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương.

Do vậy, việc quản lý hành chính, nhân khẩu tại khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến những tranh chấp giữa người dân sử dụng và chủ đầu tư. Trong khi TP chưa có chế tài xử lý đối với các chủ đầu tư không thực hiện đúng các quy định của pháp luật cũng như đối với những cam kết với người dân để công tác quản lý hành chính tại các khu chung cư thuận tiện và chặt chẽ.

Điển hình là trường hợp tranh chấp gây bức xúc trong nhân dân tại khu chung cư 16B Nguyễn Thái Học (phường Yết Kiêu), người sử dụng đất bất đồng với chủ đầu tư về giá dịch vụ, giải phóng mặt bằng; hay tại khu nhà ở dịch vụ - thương mại Nàng Hương và Tòa nhà hỗn hợp Sông Đà - Hà Đông, Tòa nhà CT8A khu đô thị Văn Quán, người dân gửi đơn thư đến các cấp chính quyền và cơ quan chức năng để kiến nghị kiểm tra, xử lý các sai phạm của chủ đầu tư trong việc đăng ký cấp “sổ đỏ”, thu phí dịch vụ, phí trông giữ xe, sử dụng tầng hầm, phòng sinh hoạt cộng đồng không theo đúng hồ sơ thiết kế và các điều khoản trong hợp đồng mua bán nhà…

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Vũ Ngọc Phụng, để xử lý dứt điểm các tranh chấp phát sinh trên, quận đã chỉ đạo UBND các phường sở tại tổ chức họp với các hộ dân để thống nhất nội dung kiến nghị và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc theo đúng cam kết và quy định của pháp luật hiện hành.

Cũng theo báo cáo của UBND quận Hà Đông, đến nay, quận đã cấp được 2703 “sổ đỏ” cho các hộ dân đang sinh sống tại các khu đô thị, nhà ở mới; hiện còn khoảng 1000 hồ sơ đã hoàn thiện, đang được thẩm định tại Văn phòng Đăng ký Nhà đất của TP. Tại các khu chung cư này, chính quyền đã đôn đốc thành lập được 7 BQT tòa nhà theo Quyết định 08 của Bộ Xây dựng và Quyết định 34 của UBND TP về quản lý nhà thu nhập thấp.

Riêng tại phường Phúc La, tại 19 tòa nhà đã thành lập được 7 tổ dân phố, phường Hà Cầu thành lập 4 tổ dân phố của 2 nhà, khu đô thị Văn Quán có 4 tòa nhà đã sáp nhập vào các tổ dân phố lân cận…

Đối với một số tòa nhà chưa đủ điều kiện để thành lập BQT và tổ dân phố thì chính quyền phường giới thiệu sinh hoạt ghép và tại mỗi khu nhà này, Công an phường đều cử cán bộ thường xuyên đóng “chốt” để phục vụ đăng ký tạm trú, tạm vắng và giữ gìn an ninh trật tự...

Riêng về vấn đề trường học cho con em các gia đình mới chuyển đến tại các khu chung cư mới này, Phó Chủ tịch UBND quận khẳng định: Với 75 trường học các cấp trên địa bàn quận thì chắc chắn “không có cháu nào không có chỗ để học”.

Một số những bất cập khác hiện đang được các sở, ngành đưa ra để cùng xem xét, thống nhất và đề nghị TP có biện pháp tháo gỡ sao cho phù hợp với thực tiễn triển khai.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, ủy viên Thường trực HĐND TP Hà Nội, Quận Hà Đông đã giải quyết tốt và kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc tại các khu đô thị, khu nhà ở, đặc biệt đã phát huy được vai trò của chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở trong quá trình xử lý các tranh chấp phát sinh.

Tuy nhiên, cũng do một số vướng mắc khách quan dẫn đến việc xử lý của chính quyền quận Hà Đông đôi khi còn lúng túng, chưa chủ động; một số BQT tòa nhà hoạt động chưa theo đúng chức năng quy định...



TTXVN/ Tin Tức

Gỡ khó trong cấp 'sổ đỏ' cho chung cư 'mi ni'
Gỡ khó trong cấp 'sổ đỏ' cho chung cư 'mi ni'

Đảm quyền lợi cho người dân mua căn hộ chung cư "mi ni" trên địa bàn, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng và Sở Tư pháp ra văn bản hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN