Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp 'chết yểu' do đâu?

Các chuyên gia quy hoạch - xây dựng cho rằng, việc dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội) không hiệu quả, phải chuyển đổi thành nhà ở xã hội là bất khả kháng. Cần nhận ra nguyên nhân sâu xa để rút ra bài học kinh nghiệm.

Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, TP Hà Nội) được khởi công xây dựng năm 2009. Tháng 1-2015, 3 tòa nhà của dự án đi vào sử dụng, có sức chứa lên đến 10.800 sinh viên. Tuy nhiên, từ đó đến nay, khu nhà này luôn trong cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Theo thống kê sơ bộ, số lượng sinh viên vào ở tại dự án không nhiều với khoảng 3.100 sinh viên, tỷ lệ lấp đầy khoảng 30%.

Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp bị bỏ không. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Để "chữa cháy", Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị chuyển đổi mục đích sử dụng 3 hạng mục đầu tư thuộc Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội (NOXH) để bán cho nhóm đối tượng thu nhập thấp. Mới đây, Bộ Xây dựng đã đồng ý với đề xuất này.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, chuyên gia xây dựng Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Đây là dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Khi triển khai thực hiện, chủ đầu tư đã không nghiên cứu, điều tra đầy đủ về nhu cầu của người sử dụng, mà ở đây là nhóm đối tượng học sinh - sinh viên.

"Những người quyết định việc này chỉ quan tâm đến lợi ích của họ chứ không phải lợi ích chung của xã hội. Chuyện này cũng giống như các dự án công bị lãng phí khác như xây chợ không ai họp, xây cầu không ai đi...", ông Liêm nhận xét.

Thực tế, dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp nằm ở vị trí khá bất tiện cho việc đi lại, biệt lập trong khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp và không có những tuyến đường giao thông lớn đi qua. Khu các trường Đại học gần nhất là Đại học Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế quốc dân cũng chỉ có thể di chuyển đến khu nhà ở này theo trục đường Giải Phóng với khoảng cách 4 km.

Trong khi tâm lý của sinh viên thường muốn ở trọ gần trường để tiện đi lại. Chưa kể, nếu sống ở khu Pháp Vân - Tứ Hiệp, sinh viên đi làm thêm cũng phải di chuyển khá xa do đây là khu vực mới đang phát triển, chưa có nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên.

Bởi những lí do trên nên dù Hà Nội đã bố trí tuyến xe bus đi qua khu nhà ở sinh viên này để thuận tiện hơn cho sinh viên đi lại nhưng lượng người ở vẫn rất lèo tèo.

Bài học rút ra, theo ông Phạm Sỹ Liêm, phải có điều tra cẩn thận về tính khả thi của dự án. "Dù chuyển nhà ở sinh viên thành NOXH thì với những bất lợi về vị trí như trên, liệu khu nhà này có tiếp tục ế không?", chuyên gia đặt câu hỏi.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho hay, khi quyết định làm khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, chủ dự án đã chưa tính toán kĩ đến yếu tố giao thông kết nối với các trường Đại học nên đã ảnh hưởng đến việc đi lại của sinh viên.

"Khu vực đó chưa có đủ những cơ sở hạ tầng, dịch vụ cần thiết phục vụ sinh viên nên chỉ có một số ít sinh viên đến ở do giá rẻ. Một khối kiến trúc đồ sộ nhưng lại không thu hút được khách, có thể nói đó là một sự thất bại, cần rút kinh nghiệm", ông Chính nói.

Toàn cảnh khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi nhà ở sinh viên thành NOXH có thể coi là giải pháp để giúp khu nhà này tránh xuống cấp, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy vậy, phải tính toán rất kĩ đến khâu thiết kế.

"Nhà cho sinh viên ở thì thiết kế khác với nhà cho hộ gia đình. Chẳng hạn, nhà ở sinh viên thì không có bếp nhưng hộ gia đình ở phải có bếp, phải chia phòng... Có thể đục đẽo nhà để chuyển đổi song phải có giới hạn", ông Phạm Sỹ Liêm nói.

Theo tìm hiểu, được biết, khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp nằm trên khu đất có diện tích hơn 40.000 m2. Khu nhà ở có 6 tòa nhà, với sức chứa lên tới 22.000 sinh viên. Mỗi phòng rộng gần 57m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa. Theo quy định 8 người/phòng với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước).

"Dù việc cải tạo để chuyển đổi sẽ tốn kém nhưng cũng đành phải làm. Đây là lần đầu chúng ta xây khu nhà ở tập trung cho sinh viên thay thế cho hệ thống các kí túc xá, do đó chưa có kinh nghiệm. Bộ Xây dựng cần có nghiên cứu, đưa ra những quy chuẩn xây dựng nhà ở sinh viên thế nào là phù hợp, dựa trên các tiêu chí vị trí, quy mô, thiết kế", ông Chính nói.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Hà Nội đề xuất chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội
Hà Nội đề xuất chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố chuyển đổi 2 tòa nhà A2, A3 thuộc Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) sang nhà ở xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN