Đầu tiên phải kể đến Vingroup - một trong những doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu nguồn cung phân khúc cao cấp công bố sẽ phát triển hàng trăm nghìn căn hộ “bình dân” mang thương hiệu Vincity tại nhiều địa bàn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên. Giá bán dự kiến khoảng 700 triệu đồng/căn hộ tùy diện tích.
Chung cư thu nhập thấp Nguyễn Ngọc Phương, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Tiếp đó, Tập đoàn Mường Thanh - chủ đầu tư của nhiều dự án nhà ở có giá bán được cho là “mềm mại” cũng chia sẻ sẽ tiếp tục theo đuổi phân khúc nhà thương mại giá rẻ với mức giá từ 500 - 600 triệu đồng/căn.
Mới đây nhất là Tập đoàn FLC cũng thông tin về việc sẽ xây dựng khoảng 1.500 căn hộ giá rẻ tại Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Định với mức giá từ 400 - 500 triệu đồng/căn.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường vẫn bị mất cân đối nguồn cung phân khúc bất động sản cao cấp gia tăng mạnh nhưng vẫn thiếu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ với giá bán hợp túi tiền của đại bộ phận người dân hoặc loại hình căn hộ cho thuê giá rẻ... Tại các đô thị trung tâm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, căn hộ có giá bán dưới 1 tỷ đồng rất ít và thường thanh khoản nhanh.
Một số chuyên gia nhận xét, nhà ở thương mại giá thấp không có những ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế suất, hay các khu vực đất sạch sẵn có hoặc đã được quy hoạch như các dự án nhà ở xã hội.
Bởi vậy, chủ đầu tư các dự án này chắc chắn sẽ phải lựa chọn phương án thiết kế các căn hộ có diện tích nhỏ, tận dụng tối đa các chỉ tiêu xây dựng.
Tuy nhiên, lựa chọn này dễ kéo theo xu hướng tận dụng các dự án đã được chấp thuận đầu tư để điều chỉnh mục đích đầu tư, điều chỉnh quy hoạch 1/500 nhằm sớm triển khai thực hiện được. Quá tải hạ tầng khu vực cũng là nguy cơ nếu không tính toán kỹ.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện Nhà nước chưa có các cơ chế, chính sách ưu đãi cho nhà ở giá thấp; việc đầu tư xây dựng nhà ở giá thấp thường có lợi nhuận thấp, khó huy động vốn nên không thu hút được các doanh nghiệp tham gia xây dựng.
Khách hàng của các dự án nhà ở giá thấp thường là các đối tượng người nghèo, người có thu nhập thấp, khả năng tích lũy tài chính hạn chế nên việc huy động vốn để thực hiện dự án cũng rất khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp.
Theo đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi (thuế, tiền sử dụng đất…) để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng đồng thời có sự hỗ trợ, cho vay vốn đối với chủ đầu tư cũng như đối với khách hàng, người mua để đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.