Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây cũng chính là “điểm nghẽn” dẫn đến tình trạng nhiều dự án bồi thường dở dang, không thể triển khai được, đọng vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài, thậm chí chưa có lối ra.
Từ dự án metro chậm tiến độCông tác bàn giao mặt bằng cho tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được thực hiện từ năm 2007 nhưng phải đến năm 2015 (sau 8 năm) mới hoàn thành. Trong quá trình đó, Trung ương, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đã phải nhóm họp nhiều lần chỉ để xử lý gần 2 ha đất của một doanh nghiệp.
Lắp đặt hệ thống ray tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Phần đất này nằm giáp ranh địa bàn quận 9, TP Hồ Chí Minh với thị xã Dĩ An, Bình Dương và cũng là phần đất chồng lấn giữa dự án metro số 1 với dự án di dời bến xe miền Đông mới và mở rộng Xa lộ Hà Nội. Do chậm giao mặt bằng nên phía nhà thầu Nhật Bản đã yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải nộp phạt 100.000 USD/ngày.
Nguyên nhân là do cách thức thu hồi đất của UBND tỉnh Bình Dương chưa thoả đáng trong việc xác định tổng số diện tích đất bồi thường, không tách riêng diện tích thu hồi cho từng dự án mà áp giá chung, ảnh hưởng đến cách tính bồi thường đất. Mỗi dự án có phương thức, cách thức bồi thường khác nhau nhưng việc chậm công bố và giao quyết định thu hồi đất cũng khiến doanh nghiệp bức xúc và khiếu nại kéo dài.
Với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), hiện UBND các quận dọc tuyến đã ban hành quyết định thu hồi đất nhưng chưa thể xác định được đơn giá đền bù, vì thế vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để ra quyết định bồi thường. Dự kiến, chậm nhất cũng phải đến tháng 6/2018 mới có mặt bằng bàn giao cho nhà thầu. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân kéo dài tiến độ tuyến metro số 2, làm tăng vốn đầu tư từ 1,374 tỷ USD mức phê duyệt ban đầu lên tới 2,173 tỷ USD.
Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng không chỉ khiến dự án bị kéo dài, phải điều chỉnh vốn mà còn ảnh hưởng đến việc giải ngân, nhất là vốn vay ODA. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến hết tháng 9 vừa qua, TP Hồ Chí Minh bố trí vốn cho 78 dự án bồi thường giải phóng mặt bằng với kế hoạch vốn được giao là 1.900 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ mới giải ngân được 45%. Do chưa xác định được đơn giá bồi thường nên nguồn tiền tạm ứng để chi công tác giải phóng mặt bằng bị “ách” lại hoặc giải ngân chưa hết.
... Đến “ì ạch” chỉnh trang đô thịHiện nay các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai việc xác định ranh giới, thu hồi đất, phát triển nguồn nhà phục vụ tái định cư, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch thuộc chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị.
Nhu cầu vốn để di dời nhà trên và ven kênh rạch giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến lên tới 30.890 tỷ đồng, trong khi ngân sách thành phố hạn hẹp, không có quỹ đất công giá trị lớn để thanh toán cho các chủ đầu tư theo hình thức BT hoặc làm đối ứng thanh toán vốn cho dự án. Đặc biệt, giá trị bồi thường không thể giúp người dân tự tạo lập nhà ở hoặc mua nhà ở thương mại.
Ngay cả việc cải tạo chung cư cũ cũng gặp vướng do không thống nhất được phương án tái định cư cho người dân. Theo ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch UBND quận 8, tiến độ thực hiện dự án di dời nhà trên và ven kênh Đôi còn chậm, quận vẫn chưa thể ra thông báo thu hồi đất do chưa có chủ đầu tư. Dự kiến phải đến tháng 6/2018 mới có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Tình cảnh này cũng diễn ra tương tự ở quận 4 với dự án chỉnh trang kênh Tẻ.
Còn theo ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7, quận chọn rạch Song Tân làm dự án chỉnh trang đô thị, nhưng hiện nay công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc do người dân khiếu nại về diện tích và loại đất thu hồi. Vì thế, nguy cơ đến năm 2020, việc cơ bản di dời 20.000 căn nhà sống trên và ven kênh rạch là khó khả thi.
Từ năm 2010, TP Hồ Chí Minh chủ trương di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân nhằm cải tạo môi trường sống cho hơn 300.000 người dân tại khu vực tiếp giáp nghĩa trang, góp phần chỉnh trang đô thị, đảm bảo an ninh trật tự, đẩy lùi phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội tại khu vực này. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng tại dự án này cũng không hề đơn giản do sự phức tạp ở việc thông tin kê khai ngôi mộ và tính chất quản lý nghĩa địa; trong đó có đất của các tổ chức tôn giáo, các hội đồng hương, tương tế, đất nghĩa trang tư nhân…
Ông Lê Văn Hồng Phương, Phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân cho biết, diện tích bị thu hồi lên tới hơn 53,6 ha với tổng số mộ và kim tỉnh (phần huyệt đào sẵn) là 69.220 mộ. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được triển khai từ năm 2014, chia làm 3 giai đoạn. Hiện nay đã thực hiện cơ bản giai đoạn 1 với việc đã bốc được 12.428 mộ, đạt 75,42%.
Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, đến hết tháng 9/2017, toàn thành phố đã có hơn 19.000 lượt công dân đến cơ quan chức năng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tăng 4.300 lượt so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến đất đai, dự án.
Về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường, các sở ngành, quận huyện đã tham mưu UBND thành phố điều chỉnh, hỗ trợ tại dự án, đem lại quyền lợi cho người dân với hơn 10,5 tỷ đồng, trả lại quyền lợi cho 40 hộ dân đồng thời kiến nghị xử lý hành chính 5 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc.
Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ đã và đang tiến hành thanh tra một số dự án trọng điểm liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; trong đó có dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, công viên Safari, Khu Công nghệ cao…
Những vụ việc kể trên cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn diễn biến phức tạp, hầu như ở khắp các dự án và các địa phương đều phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Đây là “điểm nghẽn” dẫn đến nhiều dự án bồi thường dở dang, "ách" vốn, đội vốn, doanh nghiệp khó tìm được lối ra.