Luật Cảnh sát Biển giúp nâng cao nhận thức về pháp luật, chủ quyền biển đảo cho ngư dân

Sau hơn 2 năm có hiệu lực, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam đã tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng Cảnh sát Biển nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Trưa 7/3/2016, tàu Cảnh sát biển 4037 thuộc Hải đội 201 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2) đã đưa toàn bộ 22 ngư dân trên 2 tàu cá QNg 94326TS và QNg 98326TS của tỉnh Quảng Ngãi về bờ an toàn, sau hơn 3 ngày tàu bị chết máy, trôi dạt trên biển ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh minh họa: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2, bên cạnh công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên biển, các cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát Biển rất coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho ngư dân.

Giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Vừa trở về sau chuyến đi biển gần 20 ngày tại ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Trần Văn Bình (46 tuổi, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đang thu xếp đồ đạc, ngư lưới cụ trên chiếc tàu cá mang số hiệu DNa 91095 TS của mình. Vừa giở cuốn “Sổ tay tuyên truyền cho ngư dân của Cảnh sát Biển Việt Nam”, ông Bình vừa kể lại việc được tuyên truyền pháp luật ngay trên biển.

“Sau khi đánh bắt cá, đang hướng về đất liền, tình cờ chúng tôi gặp tàu tuần tra của Vùng Cảnh sát Biển 2. Các chiến sỹ Cảnh sát Biển đã đi cano sang tàu tôi để hỏi thăm, tuyên truyền các chính sách, quy định về pháp luật trên biển và tặng chúng tôi Bản đồ hàng hải cùng cuốn Sổ tay này”, ông Bình cho biết.

Nhờ sự tận tình hướng dẫn, nhắc nhở của các lực lượng Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, Biên phòng... nên từ mấy năm nay, ông Trần Văn Bình cùng tổ đội đánh bắt gồm 14 tàu thuyền luôn thực hiện nghiêm các quy định về khai thác thủy sản hợp pháp, không vi phạm lãnh hải các nước lân cận. Việc gặp các tàu tuần tra của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam trên biển giúp ngư dân thêm yên tâm khi vươn khơi, bám biển.

Ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), chủ tàu vỏ thép DNa 90777 TS thường xuyên tham gia những buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Vùng Cảnh sát Biển 2 tổ chức cho các ngư dân tại phường. Nhờ đó, các ngư dân có thêm nhiều thông tin bổ ích, giá trị về biển, đảo Việt Nam, Luật biển Việt Nam, Luật Cảnh sát Biển, Luật biển quốc tế năm 1982...

Chú thích ảnh
Các ngư dân tìm hiểu kỹ sơ đồ vùng biển Việt Nam để không vi phạm lãnh hải nước khác trong quá trình khai thác thủy sản. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Cùng với tổ chức các buổi tuyên tuyền tập trung, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2 đã cử các tổ đội đến tuyên truyền, phát tờ rơi trên các tàu đang neo đậu tại cảng cá Thọ Quang (thành phố Đà Nẵng), trao cờ Tổ quốc và tặng quà động viên, hỗ trợ ngư dân.

Theo ngư dân Trần Văn Mười, những hoạt động tuyên truyền của Cảnh sát Biển góp phần nâng cao lòng yêu nước, yêu biển, đảo của Tổ quốc; tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm các quy định khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

 Vượt lên những thuận lợi, khó khăn của vùng biển miền Trung

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2 được phân công quản lý vùng biển miền Trung rộng lớn, trên phạm vi 6 tỉnh, thành (từ đảo Cồn Cỏ - tỉnh Quảng Trị đến đảo Cù Lao Xanh - tỉnh Bình Định và phía Bắc quần đảo Trường Sa). Vùng biển này có đặc điểm là lưu lượng tàu thuyền hoạt động cả tuyến nội địa và tuyến quốc tế lớn, lực lượng tàu cá của ngư dân Việt Nam đông đúc. Đây cũng là vùng biển chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết giông, bão, trong khi nơi neo đậu tránh giông gió cho tàu thuyền còn nhiều khó khăn.

Vùng biển này còn có nhiều tài nguyên cả trong lòng biển và đáy biển nên tàu thuyền nước ngoài thường xuyên có các hoạt động thăm dò, nắm tình hình, vi phạm đánh bắt thuỷ, hải sản trái phép và thực hiện các mục đích khác nhau. Với đặc điểm trên, có thể nói, đây là vùng biển phức tạp, nhạy cảm cả về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh, trật tự, an toàn hàng hải trên biển. Công tác đấu tranh chống các loại tội phạm, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhập cảnh trái phép trên biển rất phức tạp.

Chú thích ảnh
Ngư dân Trần Văn Bình (46 tuổi, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đọc tài liệu tuyên truyền pháp luật được phát. Ảnh: Quốc Dũng /TTXVN

Bên cạnh đó, vùng biển miền Trung có những thuận lợi như có lực lượng tàu cá của ngư dân ta hoạt động đánh bắt thủy hải sản hợp pháp rất lớn. Các địa phương quan tâm hỗ trợ đóng nhiều loại tàu đánh bắt xa bờ; ngư dân yêu biển, quyết tâm bám biển để vừa phát triển kinh tế vừa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Vì vậy, mỗi ngư dân, mỗi tàu thuyền của ngư dân là những “cột mốc sống” và là “cánh tay nối dài”, sẵn sàng cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Cảnh sát Biển trong các vấn đề về pháp luật, chủ quyền lãnh thổ trên biển.

Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Vùng Cảnh sát Biển 2 cho biết, vượt lên những thuận lợi và khó khăn đó, sau 2 năm triển khai thực hiện, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả rất thiết thực, ý nghĩa. Luật đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của các cấp, ngành và nhân dân về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; nâng cao lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo của ngư dân nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Qua đó, khẳng định được quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; giúp nhân dân, ngư dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát Biển.

Đặc biệt, với nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc là các quy định trong Luật về tổ chức, biên chế, phương tiện, trang bị, quyền hạn… của lực lượng, yêu cầu xây dựng Cảnh sát Biển Việt Nam hiện đại theo hướng tinh, gọn, mạnh đã được triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả. Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát Biển trong tình hình mới, giúp Cảnh sát Biển tiếp tục là điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Chú thích ảnh
Thượng tá Bùi Đại Hải, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (bên phải) tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN phát

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Chương trình công tác dân vận “Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân” được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức thực hiện vào tháng 3/2017, đã ký kết hợp tác tuyên truyền với nhiều tỉnh, thành ven biển. Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thức nhằm bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, giúp đỡ một phần về vật chất và tinh thần để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, vừa kết hợp phát triển kinh tế, vừa xây dựng thế trận “lòng dân trên biển”... góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Vùng Cảnh sát Biển 2, ngay sau khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động để đưa Luật Cảnh sát Biển vào thực tiễn đời sống của nhân dân theo Đề án Tuyên truyền Luật Cảnh sát Biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông qua các hoạt động chính như: phối hợp với Ban Dân vận các Tỉnh ủy, Thành uỷ triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình công tác Dân vận “Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân” theo ký kết, nhằm tạo điểm tựa, sẵn sàng hỗ trợ trong mọi điều kiện để ngư dân vững tâm bám biển, vừa phát triển kinh tế gia đình vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng thời, đơn vị tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát Biển Việt Nam và các văn bản thi hành cho cán bộ chủ chốt đại diện cho cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể; các lực lượng vũ trang và nhân dân, ngư dân, chủ tàu thuyền của thành phố để đưa pháp luật vào thực tiễn.

Đối với ngư dân, ngoài việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển đảo và vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát Biển Việt Nam, Đại tá Lê Huy Sinh cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm các quy định khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2 phối hợp chặt chẽ với các báo, đài của địa phương và Trung ương trên địa bàn để tuyên truyền Luật Cảnh sát Biển trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn vị tiếp tục tổ chức phát động, tuyên truyền, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc thi trực tuyến tìm Luật Cảnh sát Biển do Bộ Quốc phòng tổ chức trên toàn quốc.

Quốc Dũng (TTXVN)
Hiệu quả mang lại từ sự ra đời của Luật Cảnh sát Biển Việt Nam
Hiệu quả mang lại từ sự ra đời của Luật Cảnh sát Biển Việt Nam

Sau hai năm đưa Luật Cảnh sát Biển Việt Nam vào thực tiễn cuộc sống (từ 1/7/2019) đã khẳng định cơ sở pháp lý vững chắc để Cảnh sát Biển Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN