Hoàn thiện thể chế pháp lý cho lực lượng Cảnh sát biển

18 năm qua, Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển (LL CSB) Việt Nam cùng hệ thống hơn 30 văn bản pháp luật liên quan khác đã tạo cơ sở pháp lý để thành lập, xây dựng LL CSB, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển và thiết lập hệ thống tổ chức bảo đảm thi hành pháp luật trên biển. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thực tiễn, những văn bản này đã bộc lộ nhiều bất cập, cần phải được sửa đổi và nâng tầm.

Nền tảng pháp lý vững chắc

Ngày 28/3/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển. Theo đó, ngày 28/8/1998, LL CSB Việt Nam được thành lập.

Tàu Cảnh sát biển 8001 lên đường làm nhiệm vụ.

Sự ra đời của CSB VN đã thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về quyết tâm tăng cường lực lượng quản lý biển; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc.

Từ năm 1998 đến nay, Pháp lệnh LL CSB Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một lần vào năm 2008 nhằm bảo đảm không ngừng đáp ứng yêu cầu hoạt động của LL CSB trên biển. Bộ Quốc phòng cũng đã tham mưu với Chính phủ và trực tiếp ban hành 34 văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm cho CSB VN có đầy đủ quyền hạn, phát huy được chức năng của mình trong quá trình hoạt động. Nhìn một cách tổng thể thì hệ thống văn bản pháp lý đã ban hành bảo đảm khá đồng bộ, phù hợp với các quy định trong Pháp lệnh và các quy định về quy phạm pháp luật của Việt Nam, là cơ sở nền tảng pháp lý vững chắc để LL CSB thực thi và hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao.

Cần tiếp tục nâng tầm và hoàn thiện

Tình hình trên biển hiện đã có những diễn biến mới, đòi hỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển đảo trong đó có Pháp lệnh LL CSB ngày càng hoàn thiện, vừa phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam vừa phù hợp với các thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hơn nữa, LL CSB Việt Nam được xác định là một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, do đó, đòi hỏi Pháp lệnh LL CSB Việt Nam cần phải được tiếp tục sửa đổi và nâng tầm; thể chế pháp lý cho LL CSB cần phải được hoàn thiện.

Hiện nay, nhiều quy định trong Pháp lệnh đã không còn phù hợp, nhất là các quy định về vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Quốc phòng đối với LL CSB chưa thống nhất với sự điều chỉnh trong một số nghị định của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh. Một số quy định về thẩm quyền, hoạt động của LL CSB trong Pháp lệnh còn chưa cụ thể, ảnh hưởng đến quá trình triển khai, áp dụng vào thực tiễn. Trong Pháp lệnh cũng chưa quy định biện pháp nghiệp vụ của LL CSB Việt Nam, do đó thiếu tính thực tiễn khi triển khai, hiệu quả hoạt động bị hạn chế, nhất là trong việc phối hợp với các lực lượng khác khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên biển. 

Các quốc gia ven biển trong khu vực cũng đều đã ban hành Luật Cảnh sát biển hoặc Luật về Lực lượng thực thi pháp luật trên biển, quy định về lực lượng Coast Guard có chức năng tương tự như LL CSB Việt Nam. Vì vậy, nếu chỉ dừng ở hình thức Pháp lệnh thì sẽ không tương đồng với thực tiễn lập pháp quốc tế, làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý đối với các quy định trong văn bản pháp luật liên quan đến những hoạt động mang tính đại diện cho Nhà nước của LL CSB Việt Nam.

Tình hình vùng biển trong khu vực ngày càng có những diễn biến phức tạp. Yêu cầu về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển ngày càng cao. Nhất là trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng thì việc bảo vệ chủ quyền vùng biển bằng pháp luật, do lực lượng chuyên trách tiến hành càng cần phải có tính phổ biến và trở thành thông lệ. Hơn nữa, việc áp dụng các biện pháp công tác, biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh phòng chống tội phạm của LL CSB Việt Nam hiện nay còn vận dụng ở nhiều văn bản khác nhau, có sự không đồng nhất, có lúc bị chồng chéo, dẫn đến hạn chế về hiệu quả…

Để khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh LL CSB, giải quyết những vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn, được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, BTL Cảnh sát biển đang triển khai nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam. 

Để việc nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật Cảnh sát biển theo đúng Kế hoạch mà Bộ Quốc phòng đã đề ra, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, các cơ quan, đơn vị CSB trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao đang tích cực triển khai toàn diện các nội dung công việc, sớm hoàn thiện bản dự thảo để trình Quốc hội phê chuẩn, nhằm thiết thực góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp lý cho sự phát triển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và có tính chuyên nghiệp cao của LL CSB, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá Doãn Bảo Quyết (Phó Chính ủy BTL Cảnh sát biển)
Tàu Cảnh sát Biển lai dắt tàu cá trôi dạt ngoài Cửa Việt
Tàu Cảnh sát Biển lai dắt tàu cá trôi dạt ngoài Cửa Việt

Lúc 13 giờ 30 phút ngày 3/7, tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 2013 đã đưa tàu cá ĐNa 90485 TS bị hỏng máy trên biển cùng 10 ngư dân đã về đến Đà Nẵng an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN