Gỡ khó khăn cho ngư dân

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp với tỉnh Bình Định tổ chức sơ kết một năm thực hiện Nghị Định 67/CP và triển khai thực hiện Nghị định 89/CP ngày 7/10/2015 về tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ ngư dân hoạt động ở vùng biển xa với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành chức năng thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước.

Theo đó Nghị định 89/CP sẽ có những sửa đổi, bổ sung một số điều qui định của Nghị định 67/CP như: Qui định ngư dân đóng mới tàu cá phải sử dụng máy thủy mới; Qui định ngư dân thực hiện việc nâng cấp máy tàu được sử dụng máy tàu thủy đã qua sử dụng; Chủ tàu đóng mới, nâng cấp tàu khai thác, dịch vụ hậu cần hải sản vỏ vật liệu mới được hưởng chính sách hỗ trợ như đối với tàu vỏ thép; ngư dân có tàu công suất từ 400 CV trở lên thực hiện nâng cấp tàu có thể thực hiện thay máy tàu, hoặc thực hiện một trong các hạng mục nâng cấp: gia cố bọc vỏ thép, bọc vật liệu mới, mua ngư lưới cụ, trang bị thiết bị hàng hải, trang bị thiết bị khác, thiết bị bảo quản hải sản, thiết bị bốc xếp hàng hóa; 

Đóng mới, nâng cấp tàu cá ở cơ sở đóng tàu Lâm Thành Phát, phường Vĩnh Thông, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Kéo thời gian vay và hỗ trợ lãi suất vay vốn từ 11 năm lên 16 năm đối với tàu đóng mới vỏ thép và vật liệu mới; Bổ sung mới đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm là nghiệp đoàn nghề cá; qui định hỗ trợ chi phí thiết kế mẫu tàu cá vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ; thí điểm hỗ trợ một lần sau đầu tư và bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương.

Đóng tàu cá vỏ composite theo Nghị định 67/NĐ-CP tại xưởng của Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, Đại học Nha Trang. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Sau một năm thực hiện Nghị định 67/CP, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước đã phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá (trừ TP Hồ Chí Minh) với 952 tàu đóng mới và nâng cấp 155 tàu khác. Trong đó có 421 tàu vỏ thép, 50 tàu vật liệu mới và 481 tàu vỏ gỗ. Số tàu có công suất từ 400 đến dưới 800 CV có 376 chiếc; từ 800 đến dưới 1.000 CV có 512 chiếc và trên 1.000 CV có 64 chiếc. Phân loại ngành nghề hoạt động gồm tàu câu có 32 chiếc; Rê có 238 chiếc; Vây có 349 chiếc; Chụp có 218 chiếc và dịch vụ hậu cần có 156 chiếc. Các tỉnh phê duyệt cao như Tiền Giang, Nam Định đạt 100% chỉ tiêu; Quảng Nam đạt 87%. Riêng Thành phố Hồ Chí minh chưa phê duyệt danh sách chủ tàu. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm đến nay các địa phương đã phê duyệt được 7.853 tàu đủ điều kiện hưởng chính sách.

Tính đến 31/10 cả nước đã có 52 tàu đóng mới và nâng cấp được hạ thủy. Trong đó Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi tỉnh có 1 chiếc; Nghệ An có 8 chiếc; Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên mỗi tỉnh có 4 chiếc; Bình Định, Khánh Hòa , Quảng Ngãi mỗi địa phương có 3 chiếc; Bình Thuận có 10 chiếc; Tiền Giang có 7 chiếc và Kiên Giang có 2 chiếc.

Cũng trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã ký kết được 222 hợp đồng tín dụng với các chủ tàu. Trong đó, có 217 tàu đóng mới và 5 tàu nâng cấp. Số tàu có công suất từ 400 đến 800 CV có 109 chiếc; tàu từ 800 CV trở lên có 113 chiếc. Tàu vỏ gỗ có 117 chiếc, vỏ thép có 98 chiếc, vật liệu mới 7 chiếc và 188 tàu khai thác và 34 tàu dịch vụ với tổng số tiền cam kết cho vay là 2.212 tỷ đồng, nhưng chỉ mới được giải ngân được 843 tỷ đồng.
Viết Ý
Để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển
Để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nghề khai thác biển phát triển theo hướng hiện đại, mang lại giá trị kinh tế cao để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN