Ông Bùi Văn Thanh, Trưởng Ban khánh tiết đình làng An Vĩnh, Trưởng ban Tổ chức cho biết, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được các gia đình làng An Vĩnh, các dòng tộc trên đảo Lý Sơn tổ chức hàng năm và trở thành lễ hội dân gian mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện lòng tri ân của người dân đảo đối với những người lính đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo các tài liệu ghi chép lại, vào thế kỷ XVII, Hải đội hùng binh Hoàng Sa vâng lệnh triều đình vượt biển trên những chiếc thuyền câu nhỏ để xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện ở các tộc họ trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ các tài liệu Hán Nôm liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nghi lễ tổ chức tại đình làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn góp phần khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa, giúp kết nối cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau.
Sau phần tế lễ là nghi lễ thổi Ốc U hiệu lệnh cho những trai tráng rước thuyền và hình nhân thế mạng thả trôi ra biển hướng Hoàng Sa - Trường Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước và lễ đua thuyền truyền thống Tứ Linh.
Được các tộc họ trên đảo Lý Sơn duy trì hơn 400 năm qua, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013.