Bắt đầu nghi thức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các bô lão, đại diện các họ tộc khấn vái linh hồn tổ tiên và các hùng binh. Sau đó, thầy pháp khấn nguyện trước bài vị các “chiến binh” Hoàng Sa và yểm bùa vào các hình nhân thế mạng các chiến binh trong ngày lễ. Theo quan niệm của người dân nơi đây, khi thầy cúng “yểm bùa” vào những hình nhân thế mạng thì người lính ra Hoàng Sa đã có người chết thế (thế lính) rồi.
Theo di chỉ từ đầu triều Nguyễn, hàng năm triều đình ra lệnh cho huyện đảo Lý Sơn phải cử 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh vào đội Hoàng Sa kiêm đội Bắc Hải, được cấp mỗi người sáu tháng lương và một chiếc chiếu, ba sợi mây, bảy nẹp tre, một thẻ tre để ghi danh tính. Mỗi khi có người chết thì thi thể được bó lại và thả xuống biển, may ra trôi dạt vào bờ và có người vớt, đem chôn thì còn biết tên họ. Trước khi các chiến binh lên thuyền làm nhiệm vụ thì các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (lễ tế sống) để động viên những người con ưu tú của quê hương lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Lễ khao lề không chỉ nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm là dịp những người con của đất đảo Lý Sơn dù ở đâu, đi đâu cũng tụ họp về để hiểu hơn về lễ hội truyền thống của quê hương, khí tiết hào hùng của cha ông trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa kết thúc bằng hình ảnh người dân thả thuyền xuống biển, trên đó có các hình nhân, linh vị và những thứ tượng trưng cho đồ vật mà người đi lính ở Hoàng Sa, Trường Sa thường mang theo như gạo, muối, củi, nước ngọt, lưới ra biển. Đây là hình thức nguyện cầu về sự bình yên của người dân huyện đảo Lý Sơn.