Tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Ngày 29/6, trong khuôn khổ chương trình "Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), ngư dân huyện đảo Lý Sơn đã tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để giới thiệu tới các dân tộc anh em.

 

Một nghi lễ trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn lâu nay đã trở thành ngày hội lớn không chỉ ở Quảng Ngãi mà còn là ngày hội của những người dân miền ven biển cả nước. Đây là nghi lễ để tri ân các thế hệ cha ông ngày trước đã không tiếc máu xương để bảo vệ biển, đảo của quê hương.


Trong lần đầu tiên “ra mắt” tại Hà Nội này, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được tái hiện với các nội dung gồm: Phần lễ gồm có hát múa bá trạo hầu thần, lễ chánh tế khao lề thế lính, lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng và cuối cùng là phần hội chơi bài chòi. Theo các cụ già đến từ Lý Sơn, hằng năm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức riêng ở từng tộc họ trên đảo, vào tháng hai, tháng ba sẽ tổ chức chung cho tất cả các tộc họ trên đảo.


Trước khi làm lễ, tộc họ chuẩn bị lễ vật gồm có bàn thờ đặt linh vị những người lính Hoàng Sa đã không trở về, thuyền khao lề có đặt các hình nhân thế mạng, heo, gà, xôi, hương, hoa quả… Ngoài ra, còn có 2 thúng gạo, muối, 2 con ốc tù và to để thầy cúng thổi lên những tiếng kêu khi rước đoàn thuyền có hình nhân thế mạng trong lễ thả thuyền; ngoài ra còn có đội kèn bát âm phục vụ nghi lễ. Thầy phù thủy là người nặn các hình nhân thế mạng bằng bột gạo hoặc bằng đất sét, mỗi hình nhân thế mạng ứng với một linh vị đã ghi tên tuổi người đi lính Hoàng Sa trên bàn thờ.


Trong các nghi lễ, lễ chánh tế khao lề thế lính là phần quan trọng nhất gồm các phần nghi thức: Lễ yết, Lễ tế chánh điện, Lễ tế ngoại đàn, Lễ thế lính, Lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng… Thầy pháp sư cùng với các vị bô lão thực hiện lễ cáo các vị tiền hiền, cúng giỗ cho những người không trở về và nguyện cầu chư vị tiền hiền chở che cho những người đi được bình an, sóng yên biển lặng. Trong khói hương nghi ngút, thầy phù thủy mặc áo thụng đỏ, mũ tam sơn, đọc lời phù chú lầm rầm trên nền nhạc bát âm hoặc ngũ âm xen với tiếng mõ thị uy. Kết thúc phần nghi lễ là lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng với ý nghĩa cầu bình an cho các binh phu Hoàng Sa. Cuối cùng là phần hội chơi bài chòi, chơi bài chòi không phải vì tính ăn thua thắng cược mà là những ngư dân muốn tìm về sự thanh thản, vui vẻ, được nghe những làn điệu dân ca quen thuộc, thả hồn theo câu hò điệu hát mộc mạc dân dã, đồng thời cũng muốn tìm được sự may mắn, bình an.


Đến nay, các vị bô lão của Lý Sơn cũng không biết Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có từ bao giờ, chỉ biết rằng vào thời đầu dựng nước của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đội Hoàng Sa được thành lập chính thức và hoạt động liên tục suốt 4 thế kỷ. Đã có hàng vạn người phải vượt qua không biết bao nhiêu sóng gầm bão tố để đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển đảo theo lệnh của các chúa Nguyễn và các triều Nguyễn sau này.

 

Bởi vậy mới có câu ca:
Hoàng Sa đi có về không
Lệnh Vua sai phải quyết lòng ra đi.


Trong hàng vạn người từng ra đi, không có nhiều người được may mắn trở về. Thế nên ngày nay các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… đều có các khu mộ chiêu hồn không xác người.


Ông Võ Hiển Đạt, đại diện các tộc họ ở Lý Sơn chia sẻ: “Từ xa xưa, các bậc tiền nhân của chúng tôi đã vâng mệnh triều đình đi làm nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều người chỉ có đi mà không có về. Vì vậy, để tưởng nhớ các bậc tiền nhân hy sinh vì đất nước, các tộc họ ở Lý Sơn và dọc ven biển Quảng Ngãi hằng năm đều tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, qua đó để cho con cháu biết được công lao của tổ tiên mà ghi nhớ và noi theo. Trước tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, các họ tộc Lý Sơn chúng tôi vẫn ra sức giáo dục con cháu, nhất là ngư dân trên đảo cùng đoàn kết, chung sức, đồng lòng hơn nữa khi tham gia khai thác thủy sản trên Biển Đông, không lùi bước trước những hành động phi nghĩa của Trung Quốc trên vùng biển chủ quyền của nước Việt Nam chúng ta, kiên quyết bảo vệ ngư trường truyền thống mà ông cha chúng ta đã đổ nhiều máu xương để cắm mốc, dựng bia, khẳng định chủ quyền”.


Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để lại nhiều dấu ấn
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để lại nhiều dấu ấn

Lề Khao lề thế lính Hoàng Sa được nhân dân huyện Lý Sơn tổ chức với sự hỗ trợ của nhà nước đã diễn ra trong không gian văn hóa tâm linh thiêng liêng, mang tính nhân văn sâu sắc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN