Bình Thuận chấm dứt khai thác hải sản bất hợp pháp

Sáng 17/5, Ban chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Chú thích ảnh
Tàu cá neo đậu trong Khu tránh trú bão đảo Phú Quý (Bình Thuận). Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, cùng với cả nước thực hiện Kế hoạch hành động 180 ngày chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Kiểm tra EC lần thứ 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trước mắt về chống khai thác IUU, đặc biệt giao các cơ quan chức năng triển khai công tác xử lý nghiêm hành vi phạm phạm pháp luật đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, địa phương kiểm điểm trách nhiệm do còn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức phù hợp, linh động từ đó nhận thức của cán bộ quản lý, người dân, các chủ tàu cá có chuyển biến tích cực.
 
Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức được hơn 117 buổi tuyên truyền cho hơn 16.500 các chủ tàu cá khai thác xa bờ, các nhóm nghề có nguy cơ cao vi phạm IUU. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức cho 309 chủ thuyền, thuyền trưởng cam kết không vi phạm khai thác IUU, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài được tỉnh Bình Thuận xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị. Theo đó, các đơn vị chức năng và địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: lập danh sách và quản lý, theo dõi tàu cá có nguy cơ cao; tăng cường kiểm tra tàu cá xuất, nhập bến; triển khai cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; xử phạt nghiêm khắc, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài… Tuy nhiên, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tái diễn.

Bám sát khuyến nghị của EC, Bình Thuận triển khai nghiêm túc việc quản lý đội tàu; kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá và giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác. 
 
Đến nay, toàn tỉnh có 1.941 trong tổng 1.961 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS, đạt 99%. Đồng thời, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá đã tiếp nhận, giám sát 3.526 tàu cá ra, vào cảng với hơn 10 nghìn tấn hải sản; thu giữ 2.243 sổ nhật ký khai thác… 
 
Song song đó, các lực lượng chức năng phối hợp mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm 137 trường hợp vi phạm khai thác IUU, chủ yếu là các hành vi vi phạm như: tàu cá hoạt động không đăng ký; sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác; tàng trữ công cụ, kích điện để khai thác hải sản…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những khó khăn, tồn tại đồng thời đề xuất các giải pháp tập trung khắc phục tình trạng ngư dân vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài; kiểm tra, giám sát các tàu cá không được cấp phép khai thác; hoàn thành việc lắp đặt và quản lý thiết bị giám sát hành trình; biện pháp xử lý các đối tượng vi phạm IUU…

Với quyết tâm chung tay cùng cả nước gỡ thẻ vàng cho thủy sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu các sở, ngành, lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương bằng mọi biện pháp, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Đây là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, cần tập trung khắc phục.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý thủy sản, Bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương vùng biển rà soát, quản lý chẽ nhóm tàu cá có nguy cơ cao, nhất là tàu cá nhiều tháng, nhiều năm không về địa phương, tàu cá đã bán ra ngoài tỉnh mà chưa làm thủ tục.
 
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, kiểm tra vận hành và phát huy hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, kịp thời trong xử lý thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá giữa các lực lượng chức năng. 
 
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành ven biển về chống khai thác IUU, cụ thể hơn là giám sát, quản lý tàu cá; kiểm soát trên các vùng biển…

Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, theo dõi nhóm đối tượng có nguy cơ cao vi phạm IUU, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh khẩn trương xác minh và làm rõ hành vi vi phạm đối với thuyền trưởng, thuyền viên, chủ tàu vi phạm khai thác IUU từ năm 2019 đến nay để xử phạt nghiêm.

Các địa phương ven biển tiếp tục bám sát nhiệm vụ, quản lý đội tàu cá tại địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành các quy định chống khai thác IUU gắn với Luật thủy sản…Đồng thời tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ các hành vi khai thác IUU.

Hồng Hiếu (TTXVN)
Đà Nẵng tăng cường giám sát đơn vị thực hiện phòng, chống khai thác IUU
Đà Nẵng tăng cường giám sát đơn vị thực hiện phòng, chống khai thác IUU

Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND về việc đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần 4 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Đà Nẵng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN