Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Sẽ đổi tên ngành học

Trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2011, một số trường đã thực hiện việc đổi tên một số ngành học. Trong danh mục “Cẩm nang tuyển sinh 2011”, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) sắp ban hành sẽ có những tên ngành mới mà thí sinh sẽ phải tìm hiểu thêm để có những quyết định phù hợp, còn nhà trường phải thiết kế lại chương trình học.

Tên mới

Thực hiện Thông tư số 14/2010 ngày 27/4/2010 (về việc ban hành danh mục GD-ĐT cấp IV trình độ CĐ, ĐH) của Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH đã điều chỉnh tên ngành học theo danh mục ngành nghề đã ban hành. Từ khóa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 trở đi, sinh viên học ngành nào sẽ được cấp bằng đúng theo tên gọi ngành thi đầu vào.

Học sinh tham gia, tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2011 diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM có hai ngành đổi tên là ngành Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu thủy nay sẽ là hai chuyên ngành thuộc nhóm ngành Hàng hải.


Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định (TP.HCM) đổi tên một số ngành như: Hệ thống thông tin kinh tế thành Hệ thống thông tin quản lý, Tiếng Anh thành Ngôn ngữ Anh, Mạng máy tính truyền thông thành Truyền thông và mạng máy tính.


Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành Luật Kinh doanh, Luật Thương mại quốc tế, Luật Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán sẽ nằm trong một ngành chính là Luật Kinh tế.


Trường ĐH Luật TP.HCM, ngành Quản trị luật cũng được đổi tên thành Quản trị kinh doanh; các ngành đào tạo của trường trước đây như: Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hành chính, Luật Quốc tế nay trở thành chuyên ngành của ngành Luật.

Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng điều chỉnh tên ngành Nuôi trồng thủy sản thành Quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản với 20 chỉ tiêu, Kỹ thuật máy tính thành ngành Khoa học máy tính tuyển 30 chỉ tiêu, Công nghệ viễn thông thành Điện tử viễn thông tuyển 60 chỉ tiêu, Kỹ thuật điện tử thành ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông tuyển 30 chỉ tiêu.

Một số trường như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Hùng Vương… cũng có nhiều ngành học và chuyên ngành đổi tên.

Lo thiết kế chương trình học

Theo bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM, về cơ bản, chuyện đổi tên các ngành học không ảnh hưởng quá nhiều đến chương trình học hay cấp bằng tốt nghiệp sau này.


Nhưng nhà trường sẽ phải thiết kế lại một số môn học. Trước đây, để thiết kế các môn học, nhà trường tham khảo kỹ chương trình của nhiều nước trên thế giới để có khung chương trình đào tạo phù hợp nhưng nay phải thiết kế lại. Đối với ngành Quản trị kinh doanh, trường phải điều chỉnh dung lượng các môn về Luật còn 18 tín chỉ.

Mặt khác, theo quy chế đào tạo của Bộ thì việc đổi tên như vậy sẽ cho phép một ngành có nhiều chương trình đào tạo khác nhau


. Ông Lâm Tường Thoại, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) dẫn chứng, sinh viên sẽ được cấp bằng tốt nghiệp ngành chính là Luật Kinh tế, nhưng chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán hay những chuyên ngành trực thuộc đều sẽ được ghi rõ trong bảng điểm học tập của sinh viên. Điều này sẽ có lợi cho sinh viên sau này khi tiếp tục muốn chuyển sang học một ngành dọc khác.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo trường cho rằng, có ngành học vốn được coi là "thương hiệu" của trường, “hút” một lượng lớn thí sinh đăng ký nhiều năm nay, nhưng vì không có trong danh mục mã ngành mới ban hành nên buộc phải đổi tên.

Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, việc đổi tên một số ngành học sẽ làm cơ sở để tổ chức hệ thống đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo, xây dựng nội dung chương trình giảng dạy, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, quản lý đào tạo ĐH, CĐ, trao đổi hợp tác giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế về GD - ĐT, dự báo nhu cầu đào tạo, đánh giá tiềm năng lực lượng lao động, định hướng cho việc sử dụng người lao động có trình độ ĐH, CĐ trong sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Bộ GD - ĐT quản lý mã ngành dọc 


 

Hiện nay, một số trường đang còn gặp khó khăn trong việc thiết kế chương trình học song song với quá trình đổi tên ngành học. Ý kiến của Thứ trưởng về việc này?

Hiện nay, ta có mã ngành có các cấp III, cấp IV và cấp V. Ở góc độ quản lý, Việt Nam đang đi quá sâu vào các chuyên ngành theo truyền thống của các nước Nga và Pháp trước đây.


Trong khi thế giới có những ngành dọc giúp cho người học sau khi học xong sẽ tự chuyển đổi nhiều ngành nghề sau này. Việc chuyển đổi tên ngành học ở ta như một bước chuẩn bị cho người học. Bộ chỉ quản lý mã ngành dọc, sau đó giao cho các trường tùy theo chương trình đào tạo của mình sẽ có những ngành mới, ngành riêng của trường.

Bộ cũng linh hoạt trong quy định, cụ thể, trong quá trình chuyển đổi có khó khăn chưa thể áp dụng theo mã ngành cấp III, cấp IV thì tiếp tục cho đào tạo ngành cũ hoặc cho thí điểm ngành mới.


Khi nào việc đào tạo ổn định rồi thì sẽ bổ sung vào hệ thống mã ngành thuộc hệ thống mã ngành giáo dục ngành quốc dân.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!



Đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhiều trường đã mở thêm ngành học mới. Ông Tạ Quang Lâm, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, trường mở thêm ngành sư phạm tiếng Nhật với 40 chỉ tiêu thi khối D1,4,6 và tâm lý giáo dục với 40 chỉ tiêu. Còn trường ĐH Tài chính - Marketing năm nay mở thêm ngành mới là thuế và hải quan. Năm nay, trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM mở thêm ngành Kỹ thuật công trình ngoài khơi với 55 chỉ tiêu. Riêng hai ngành thuộc nhóm ngành hàng hải là điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu thủy năm nay sẽ tuyển thí sinh nữ như những ngành kỹ thuật khác ở cả hệ ĐH, CĐ. Tuy nhiên, hai ngành trên đòi hỏi thí sinh phải có sức khỏe như: Tổng thị lực hai mắt phải đạt 18/10 trở lên, không mắc bệnh mù màu, phải nghe rõ khi nói thường cách 5 m, nói thầm cách 0,5 m và có cân nặng từ 45 kg trở lên, nam cao 1,61 m trở lên và nữ từ 1,58 m trở lên.


Lê Vân - Đan Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN