Xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường

Trong hai ngày 20 - 21/2, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Hội đồng Anh tổ chức tọa đàm "Dạy và học ngoại ngữ: Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường".

Chú thích ảnh
Giờ lên lớp môn tiếng Anh tại Trường Tiểu học - THCS Lê Quý Đôn thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá bối cảnh dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam, xác định khoảng cách và cơ hội, tập trung vào ba lĩnh vực: Thành tích học sinh, chất lượng giáo viên và tiếng Anh trong giáo dục; thu thập ý kiến về ưu tiên và tính khả thi của các khuyến nghị chính sách; khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan trong quy trình xây dựng và thay đổi chính sách.

Tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên và từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường là một nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 91-KL/TW. Cùng với đó, Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục cũng đặt ra yêu cầu “Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học".

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh không chỉ là một nhiệm vụ giáo dục mà còn là chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, việc sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện giảng dạy trong các môn học khác nhau, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp các em rèn luyện khả năng tư duy đa chiều, linh hoạt và sẵn sàng thích nghi với những thách thức mới.

Nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, không thể thực hiện nhanh chóng nhưng để đạt được mục tiêu như kỳ vọng, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh cho rằng, chúng ta phải đặt ra kế hoạch rõ ràng và có lộ trình cụ thể. Mỗi cơ sở giáo dục cần có kế hoạch đưa tiếng Anh vào nội dung chương trình giảng dạy của nhà trường, để tiếng Anh trở thành công cụ giáo dục và trở thành ngôn ngữ thứ hai ở một cấp độ nào đó.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Các chính sách liên quan đến phát triển ngoại ngữ đang là nhu cầu cấp bách đối với các trường từ phổ thông đến đại học. Với xuất phát điểm của mỗi cơ sở giáo dục là khác nhau và có nhiều khó khăn, để đạt được mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cần phải chuẩn bị sẵn sàng các bước nhằm hiện thực hóa điều đó trong tương lai.

Trong ngày tọa đàm đầu tiên, với tổng quan về thành tựu, thách thức của việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, các đại biểu đã thảo luận chuyên sâu về kết quả học tập của học sinh, chất lượng giáo viên và việc triển khai giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Nhiều chuyên gia cho rằng, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, cần phải có lộ trình nhất định, hoàn thiện cơ sở pháp lý, với những đề án cụ thể, tập trung chú trọng nâng cao cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên.

Những đánh giá, kiến nghị tại tọa đàm góp phần hướng tới lộ trình phát triển giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Việt Hà (TTXVN)
36 đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc
36 đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc

Theo danh sách do Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, cả nước có 36 trường đại học, học viện được tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) kể từ tháng 2/2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN