Thiếu hụt giáo viên, các địa phương “vấp” quy định cứng nhắcVì thiếu hụt trầm trọng giáo viên cấp học mầm non và tiểu học, thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã tuyển dụng 85 giáo viên hợp đồng lao động “vượt rào” so với quy định. Số giáo viên này dù đến nay vẫn công tác bình thường nhưng tiền lương hằng tháng không được chi trả bởi kho bạc tỉnh từ chối giải ngân với lý do quy định không cho phép.
Nhiều địa phương đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu giáo viên. Ảnh: TTXVN |
Theo tìm hiểu của, nguyên nhân của việc chậm chi trả tiền lương cho các giáo viên trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa là vì vào tháng 3/2017, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã không được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan, đơn vị. Từ quy định này, khi UBND thị xã Gia Nghĩa thực hiện thủ tục trả lương cho nhân viên, giáo viên hợp đồng đều bị phía kho bạc từ chối giải quyết.
Thiếu cán bộ, giáo viên, nhân viên, đặc biệt là giáo viên trực tiếp giảng dạy là tình trạng xảy ra ở nhiều địa phương. Theo Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Kon Tum, năm học 2017- 2018, ngành giáo dục tỉnh còn thiếu hơn 2.500 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.
Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thiếu chủ yếu tập trung ở bậc học Mầm non và Tiểu học. Hầu hết, cả 10 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum đều xảy ra tình trạng thiếu cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum đánh giá nguyên nhân thiếu giáo viên là do sự phát triển dân số tự nhiên, cơ học… Số lượng học sinh tăng, chia tách lớp nên dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, số lượng biên chế bổ sung hàng năm không được cấp nên ngành giáo dục không thể tuyển thêm chỉ tiêu để bổ sung. Vì vậy, năm này qua năm khác số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên càng ngày càng thiếu trầm trọng.
Cần tạo cơ chế thông thoáng cho hợp đồng thay biên chếTrước đó, theo đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra lộ trình thực hiện chủ trương chuyển giáo viên từ hợp đồng làm việc sang hợp đồng lao động. Với đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong một cuộc họp các đơn vị liên quan về việc triển khai nhiệm vụ chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông vào tháng 6/2017 đã chia sẻ,
trong lộ trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD-ĐT đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó có đổi mới công tác thi cử, đổi mới chương trình - sách giáo khoa. Để thực hiện hiệu quả chương trình mới, cần phải đổi mới đồng bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có đội ngũ giáo viên.
“Khi nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chúng ta đã đặt ra vấn đề việc áp dụng chế độ viên chức đối với giáo viên như hiện nay liệu còn phù hợp không trong bối cảnh nghề giáo có nhiều đặc thù, thu nhập của giáo viên chưa được cải thiện, một bộ phận giáo viên thiếu động lực phấn đấu, tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên đang ngày càng phổ biến… Chính vì thế chúng ta đã đặt ra vấn đề đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động” - Bộ trưởng chỉ rõ.
“Để xóa bỏ được quan niệm về “biên chế” với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải là việc có thể làm được ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác trong đội ngũ giáo viên - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, qua đó được hưởng đãi ngộ xứng đáng - là việc cần phải làm” - Bộ trưởng nhấn mạnh.