(Tin Tức)- Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đang chuẩn bị cho cuộc "Đối thoại về tham nhũng trong giáo dục lần thứ 8" dự kiến sẽ tổ chức vào 25/11/2010. Tin từ Bộ GD - ĐT cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến từ cuộc đối thoại nhằm giảm thiểu tình trạng tham nhũng trong giáo dục hiện nay.
Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức hội thảo với chủ đề "Tiến triển về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực Giáo dục và kết quả khảo sát, điều tra xã hội học về nguy cơ tham nhũng trong việc chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở" ngày 16/11. |
Một khảo sát mới đây về tham nhũng trong giáo dục (tháng 5/2010) tại ba thành phố lớn trên cả nước do Thanh tra Chính phủ chủ trì cho thấy, tuy mức độ tham nhũng ở quy mô nhỏ nhưng đã làm giảm chất lượng giáo dục và mất lòng tin của người dân.
Nhận diện Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng nhóm nghiên cứu của Công ty Tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức (T&C Consulting) đã thực hiện cuộc khảo sát về tham nhũng trong giáo dục (tập trung vào việc tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm, học thêm và các khoản phí ngoài quy định), dưới sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ. Đối tượng khảo sát chính là 200 phụ huynh ở Hà Nội, 205 phụ huynh ở Đà Nẵng, 200 phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh.
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ học trái tuyến trung bình 20%, trong đó Hà Nội dẫn đầu với 30%, Đà Nẵng: 15- 22%, TP Hồ Chí Minh: 10-15%. Để cho con được học trái tuyến ở những trường điểm, chất lượng cao và gần nhà, 60% phụ huynh đã phải nhờ các nguồn trợ giúp và 33% giáo viên thừa nhận từng giúp đỡ cho con em người quen vào học trái tuyến.
Khi vào trường, dù đúng tuyến hay trái tuyến, phụ huynh thường phải chi nhiều khoản khác nhau như đóng góp xây dựng trường, mua thiết bị lớp học, bồi dưỡng thầy/cô lớp năng khiếu, xin vào lớp chọn… Có 38% phụ huynh có con học trái tuyến và 5% phụ huynh có con học đúng tuyến thừa nhận chi tiền để nhờ người xin cho con vào trường. Khảo sát cho thấy, 70% số phụ huynh cho rằng bỏ thêm chi phí cho con vào trường tốt là chuyện bình thường, người quen của họ đều làm thế.
Cả phụ huynh và giáo viên đều thừa nhận, phụ huynh phải đóng góp nhiều khoản phí khác nhau (cả trong và ngoài quy định) như học phí, đóng góp xây dựng trường, các quỹ của trường, quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, đồng phục, sách giáo khoa... Các khoản phí ngoài quy định được hợp pháp hóa, chủ yếu thông qua hình thức "tự nguyện" hoặc quỹ phụ huynh.
Bên cạnh việc "chạy trường" và đóng hàng loạt khoản phí, phụ huynh còn phải gánh một khoản chi không nhỏ là tiền học thêm cho con. Kết quả khảo sát cho thấy, 44% phụ huynh cho biết con mình phải tham dự các buổi học thêm do trường tổ chức, 49% trẻ học thêm tại nhà của thầy, cô. Trung bình, mỗi em học 3,6 buổi học thêm/tuần, với chi phí 470.000 đồng/tháng.
Với 3 buổi dạy thêm/tuần, mỗi giáo viên thu nhập thêm được 1,9 triệu đồng/tháng, trong khi lương trung bình dạy ở trường là 2,5 triệu đồng/tháng. Hơn 40% giáo viên dạy thêm ở trường và ở nhà thừa nhận, việc dạy thêm này có tác động tâm lý giúp phụ huynh yên tâm hơn. Còn phụ huynh cũng thừa nhận việc dạy thêm là bình thường và mọi người quen đều cho con học thêm.
Dù cho rằng, các dạng tham nhũng được nghiên cứu trên đây về cơ bản là tham nhũng "nhỏ" - giá trị tài chính nhỏ so với các dạng tham nhũng khác nhưng Thanh tra Chính phủ nhận định, tham nhũng trong giáo dục có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, gần như tới mọi gia đình và gây hậu quả xã hội khá nặng nề. Điều này không chỉ tạo ra gánh nặng tâm lý, thời gian cho nhiều gia đình mà còn làm giảm sút niềm tin vào hệ thống giáo dục chính thống, ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và ảnh hưởng trực tiếp tới hộ nghèo. Đồng thời, khiến giáo viên dành nhiều công sức, tâm huyết cho công việc ngoài trường, cũng như ảnh hưởng tới vai trò định hướng đạo đức cho học sinh.
Sức ép
Theo kết quả khảo sát, từ góc độ phụ huynh, yếu tố thúc đẩy các dạng tham nhũng kể trên là tâm lý còn quá nặng về các chỉ số bề nổi của học tập như điểm số so với kiến thức thực sự. Phụ huynh vẫn tin rằng trường điểm và học thêm giúp trẻ phát triển tốt hơn. Niềm tin về đào tạo chính thống bị lung lay ở một số khía cạnh: Học chính thống không đủ kiến thức cơ bản nên phải học thêm và đóng các khoản phí ngoài quy định… Đối với giáo viên, yếu tố thúc đẩy tham nhũng là do sức ép về thu nhập, sự chấp nhận của xã hội đối với các hành vi "mờ", dạy thêm, thu thêm các khoản phí, giúp đỡ người quen vào trường.
Trong khi đó, từ góc độ nhà trường, tham nhũng trong giáo dục là do nhà trường tìm cách "hợp pháp hóa" các hoạt động ngoài quy định - khai thác yếu tố tâm lý của phụ huynh học sinh. Sức ép xã hội: Chưa có hệ thống đánh giá uy tín các trường liên quan tới việc tuân thủ các chính sách tuyển sinh, thu phí và dạy/học thêm. Vì vậy có tới 72% phụ huynh được khảo sát cho rằng chỉ học chương trình chính khóa là không đủ và nên tìm trường tốt cho con chiếm tới 60%. Có 46% giáo viên được khảo sát cho rằng chương trình môn học quá nặng và tới 83,5% giáo viên cho rằng lương quá thấp so với nhu cầu của mình.
Hãy để phụ huynh giám sát
Nguyên nhân của tham nhũng trong giáo dục được ông Phạm Văn Tại, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD - ĐT, chỉ ra là việc phân cấp quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô còn chồng chéo, trong khi việc quan tâm đầu tư cho giáo dục, chính sách lương và chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý còn hạn chế.
Để khắc phục những vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ đang có những giải pháp như tập trung xây dựng các văn bản pháp quy như quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Quy định về dạy thêm, học thêm; quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp. Hiện Bộ GD - ĐT đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ - CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng tăng khung hình phạt tiền để đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trong giáo dục.
Ông Phạm Văn Tại nhấn mạnh đến việc Bộ GD - ĐT đang soạn thảo Nghị định trình Chính phủ về thực hiện chế độ thâm niên đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu phụ cấp nhà giáo được điều động làm công tác quản lý, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống cho nhà giáo.
Tuy nhiên, đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng đơn thuốc hữu hiệu cho căn bệnh tham nhũng này là việc tạo sức ép xã hội đối với nhà trường như: Hệ thống đánh giá/xếp hạng thường xuyên các trường (phụ huynh "chấm điểm"). Các trường cạnh tranh không chỉ về chuyên môn mà cả về "văn hóa". Đồng thời, thông tin, tuyên truyền cho phụ huynh biết về mặt trái của "chạy trường", dạy thêm tràn lan tới sự phát triển toàn diện của trẻ kèm theo các chính sách liên quan. Và thông tin của phòng giáo dục, nhà trường về "tuyến tuyển sinh", chế độ học thêm và các loại phí.
Ngày 25/11 diễn ra Chương trình Hội nghị đối thoại lần thứ 8 với chủ đề "Phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai". Chủ trì buổi đối thoại sẽ gồm có đại diện Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ, Chương trình Hội nghị đối thoại sẽ gồm 2 phần: Phần một là báo cáo về những tiến triển trong công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực giáo dục nói riêng kể từ sau đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 7. Phần hai là đối thoại về chủ đề phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.
Ý KIẾN
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Hoàn thiện thể chế, chính sách về chống tham nhũng giáo dục
Đến nay, Bộ đã hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng chống tham nhũng trong giáo dục. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành. Công tác tập huấn về công tác phòng chống tham nhũng cho lãnh đạo các sở GD - ĐT, thanh tra viên, giáo viên dạy giáo dục công dân thực hiện ở 63 tỉnh, thành phố... Đồng thời, Bộ cam kết thực hiện chế độ công khai, minh bạch ở ba nội dung: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng thực tế, công khai điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục và công khai thu, chi tài chính và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục. Các việc Bộ GD - ĐT đã làm như: Việc dạy thêm, học thêm trong trường học được tổ chức chặt chẽ, dạy thêm ngoài trường được tăng cường quản lý. Công tác tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh trái tuyến, các trường học đã thực hiện nghiêm túc. Nhưng việc tuyển sinh vào lớp 10 đối với các trường THPT công lập hay việc nhận học sinh vào các trường có chất lượng tốt vẫn là áp lực đối với nhà trường vì chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Ông Jacques Hallak, Viện kế hoạch giáo dục quốc tế, tổ chức UNESCO: Thực hiện các chiến dịch phổ biến thông tin tới phụ huynh, học sinh
Trong nghiên cứu về "Đánh giá và chiến lược kiểm soát các khoản phí bất thường" cùng một đồng nghiệp, tôi nhận thấy một kinh nghiệm ở Hồng Công như sau: Họ thiết lập và duy trì các danh mục, các loại phí bất thường được công nhận, danh mục các trường học kèm theo hệ thống phí của mình. Thực hiện chiến dịch phổ biến thông tin với phụ huynh, học sinh về lựa chọn trường học, dạy học phụ đạo. Đồng thời cảnh báo với các nhà điều hành và thông báo với khách hàng về quyền lợi của họ như: Tờ rơi cung cấp thông tin, trang web, danh mục các trường dạy phụ đạo đã đăng ký (có mô tả chi tiết, cơ sở vật chất, lệ phí, các vi phạm), danh mục các trường chưa đăng ký (những vi phạm), nhấn mạnh đến sự an toàn về cơ sở vật chất. |
Lê Vân (thực hiện)