40 năm thử nghiệm đến giờ mới tốn nhiều giấy mực?
Trong hơn một tuần qua, dư luận rộ lên vấn đề về tài liệu Công nghệ Giáo dục. Tài liệu này được nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, người đứng đầu là GS.Hồ Ngọc Đại.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cho rằng học sinh bây giờ học rất khổ, không được nghỉ hè đúng nghĩa. Theo bà Ngân, cải cách đổi mới toàn diện giáo dục nhưng phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. "Chương trình thực nghiệm gì mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm, hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm". Bà Ngân cũng chỉ ra chương trình giáo dục hiện nay khá nặng nề, không làm cho học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng mà đặt ra nhiều vấn đề cao siêu, hàn lâm.
Vậy tại sao bộ sách hay phương pháp giáo dục của nhóm GS.Hồ Ngọc Đại lại là chương trình thực nghiệm suốt trong một thời gian dài? Có thể thấy, trước thời điểm có Luật Giáo dục năm 2005, nước ta chấp nhận nhiều chương trình và SGK, trong đó có sách Công nghệ Giáo dục của nhóm GS.Hồ Ngọc Đại. Nhưng sau khi có luật “một chương trình, một bộ SGK”, các chương trình khác bị đưa ra, chỉ có chương trình hiện hành của Bộ GD-ĐT.
Năm 2008, Bộ GD-ĐT quyết định tiếp tục cho thí điểm sách Công nghệ Giáo dục tiếp ở 5 tỉnh trước tình trạng “ngồi nhầm lớp” của học sinh tiểu học. Năm 2013, Bộ GD-ĐT bỏ thuật ngữ "thí điểm", tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục được xem là phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn.
Đáng chú ý, ngay trước thời điểm Bộ GD-ĐT chuẩn bị công bố Chương trình các môn học mới và năm 2019 nghĩa là việc các trường tự quyết định sử dụng SGK được hợp thức hóa, đã có có 49 tỉnh, thành phố triển khai dạy học môn tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục trong năm học 2018-2019 cho gần 800.000 học sinh.
Như vậy, khoảng gần 50% học sinh lớp 1 của Việt Nam đang học sách của GS.Hồ Ngọc Đại. Cụ thể, 99,9 % trường tiểu học ở Nghệ An dạy sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục.
Trước tình trạng bộ sách Công nghệ Giáo dục bị kêu gọi “tẩy chay”, chính GS.Hồ Ngọc Đại cũng khẳng định: "Tôi bị đánh vì lợi ích về SGK". GS.Hồ Ngọc Đại cho rằng, sách Công nghệ Giáo dục của ông chỉ có 1 cuốn, không có sách bổ trợ. Năm học này, hơn 800.000 học sinh trong cả nước dùng sách của ông nên có nhiều nhóm làm SGK khác bị ảnh hưởng về lợi ích.
"Tôi cho rằng cơn bão tấn công mình xuất phát từ đó", GS.Hồ Ngọc Đại nói.
Đại biểu Quốc hội, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu là học sinh khóa đầu tiên của trường Thực nghiệm, Hà Nội cũng cho rằng có lợi ích nhóm đằng sau vụ tranh luận trên mạng xã hội với những lời lẽ phản cảm chỉ trích chương trình Công nghệ Giáo dục những ngày qua.
Minh bạch thị trường SGK
Trải qua 40 năm, sách Công nghệ Giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua. Được đánh giá tốt nhưng tài liệu này vẫn không phải SGK. Từ vấn đề tài liệu Công nghệ Giáo dục, có thể thấy việc “một chương trình, nhiều SGK” từ quyết sách đến thực tế là cả một chặng đường gian nan. Việc sử dụng thêm một đầu sách mới phát sinh thêm biết bao nhiêu việc phải bàn. Từ chính các ý kiến của Thường vụ Quốc hội cũng đang rất quan ngại trong việc tiến tới bỏ độc quyền SGK. Bởi việc quản lý 1 chương trình học nhưng có nhiều bộ sách sẽ rất khó khăn.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Điều phối viên chính Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ: "Mỗi cuốn SGK là một giải pháp sư phạm giúp học sinh đạt được mục tiêu của chương trình giáo dục chung và cần khuyến khích những ý tưởng giải pháp sư phạm khác nhau”.
Cùng với đó, xóa bỏ độc quyền SGK cũng không phải là điều đơn giản. Ngay sau chủ chương thực hiện một chương trình, nhiều SGK, đã có thông tin cho rằng trong 6 bộ SGK dự kiến, NXB này chịu trách nhiệm đến 5 bộ. Nếu đúng như vậy, về lý thuyết, họ vẫn chiếm 83% thị phần SGK. Khi không có cạnh tranh, SGK khó phát triển và học sinh chính là đối tượng chịu thiệt thòi.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết, dự kiến, trong tháng 9/2018 sẽ ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau đó, các nhà xuất bản dựa vào chương trình này để biên soạn SGK.
Việc nhiều nhà xuất bản cùng biên soạn, phát hành SGK để cho các trường học có quyền lựa chọn bộ sách phù hợp, chất lượng nhất phục vụ công tác giảng dạy; các nhóm tác giả, nhà xuất bản cùng cạnh tranh về chất lượng là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc cạnh tranh này phải lành mạnh để đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Hiện nay, chương trình mới chưa được ban hành, cũng chưa có một bộ SGK nào được hội đồng thẩm định xét duyệt. Cho nên, những lo lắng về thị phần trong lúc này là thái quá.
Trong quá trình khi biên soạn các bộ SGK để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục yêu cầu ban biên soạn và các nhà xuất bản tham gia làm SGK phải biên soạn và thiết kế làm sao để SGK có thể sử dụng lâu dài, không có tình trạng lãng phí như đang xảy ra với bộ SGK hiện nay.