Sự gia tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh cùng sự “bùng nổ” các cơ sở đào tạo trong ngành y, dược đang khiến nhiều người lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực trong ngành này.
Hướng dẫn cho sinh viên Đại học Y Thái Nguyên thực tập tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên. |
Hàng năm chứng kiến lượng sinh viên ngành y các trường cao đẳng, trung cấp được gửi đến thực tập, bà M.H (nguyên bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết, sinh viên cao đẳng học đến năm cuối rồi mà việc gì bác sĩ cũng phải cầm tay chỉ việc. Thậm chí việc đơn giản như tiêm, bệnh viện cũng không dám để cho sinh viên thực hành trên bệnh nhân.
Theo thống kê của Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế, bên cạnh hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực y tế với các chuyên ngành bác sỹ, điều dưỡng, dược sỹ thì cả nước có 35 trường CĐ y, dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sỹ..., 44 trường trung cấp và 16 viện, bệnh viện đào tạo sau ĐH. Hàng năm, số sinh viên y, dược đều tăng, năm 2011 tăng gấp 7 lần năm 2003 và gấp đôi so với năm 2007.
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, điểm chuẩn trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa ở các trường ĐH công lập y dược luôn dẫn đầu trong các khối ngành đào tạo. Cụ thể, ĐH Y Hà Nội đưa ra điểm chuẩn là 26 điểm, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, khoa Y (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) 24 điểm, ĐH Y dược Cần Thơ 23,5 điểm... Tuy nhiên, đối lập với bức tranh điểm trúng tuyển cao của các trường ĐH công lập là mức điểm thấp không ngờ vào các trường khối ngoài công lập. Thậm chí để tuyển được sinh viên, một số trường đã đưa ra mức điểm chuẩn trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn. Cụ thể, ngành điều dưỡng và kỹ thuật y học bậc ĐH của ĐH Hồng Bàng có điểm chuẩn bằng điểm sàn khối B là 14 điểm. Ngành điều dưỡng, y tế cộng đồng của ĐH Thăng Long cũng chỉ đưa ra điểm trúng tuyển khối A, A1 là 14 điểm. Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) ngành dược sĩ ĐH (khối A, B) và điều dưỡng (khối B) đều có điểm chuẩn trúng tuyển bằng sàn.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, so với bất cứ ngành đào tạo nào hiện nay thì ngành khoa học về sức khỏe cần có sự tuyển chọn đầu vào rất cẩn thận. Từ thực tế giảng dạy trong một trường, có thể nhận thấy giữa các ngành với điểm đầu vào khác nhau, năng lực của sinh viên đã có sự chênh lệch khá lớn. Có thể hiểu việc phải khắt khe với đầu vào ngành y, dược của các cơ sở đào tạo trong nước là do những bất cập trong chương trình đào tạo.
Ông Nguyễn Hữu Tú cũng chỉ ra ở nhiều nước phát triển, để được hành nghề bác sĩ đa khoa, sinh viên phải được đào tạo theo một chương trình y khoa được kiểm định và công nhận bởi cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia, phải thi đỗ kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề. Còn để trở thành bác sĩ chuyên khoa, họ còn phải học thêm ít nhất 2 năm tại cơ sở đào tạo chuyên khoa. Trong khi đó, ở Việt Nam, học sinh phổ thông thi đỗ ĐH y, sau 6 năm học, có bằng bác sĩ đa khoa là có thể hành nghề.
Trong khi chưa thể áp dụng cách thức siết chặt đầu ra, ông Nguyễn Hữu Tú cho rằng, để tránh lãng phí trong đào tạo và những hậu quả lâu dài đối với lĩnh vực đào tạo đặc biệt này thì việc thu hút đầu vào có đủ năng lực học tập là một yếu tố quan trọng.
Dự báo của ngành y tế, tới năm 2020, dù lượng sinh viên ra trường gấp hai lần hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực y tế. Đây chính là lý do hiện nay nở rộ các cơ sở, khoa ngành đào tạo nhân lực liên quan đến sức khỏe hiện nay. Vấn đề là chất lượng đào tạo của các cơ sở này khó có thể khẳng định khi chưa có đơn vị kiểm định độc lập.
Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế sẽ thành lập đơn vị kiểm định, tổ chức kiểm định các chương trình giáo dục, hỗ trợ các trường để đạt được chuẩn, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, qua đó tiến hành xếp hạng các trường, để sinh viên trường y ra trường xứng đáng là thầy thuốc.
Bảo Anh - Lê Vân