Tọa đàm nhằm nhận định một số vấn đề thực tiễn của giáo dục trong bối cảnh áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào dạy học; khả năng ứng dụng của AI trong hoạt động giáo dục, dạy học và đào tạo giáo viên; đồng thời, thảo luận về xu hướng phát triển ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục, cơ hội và những thách thức đặt ra.
Đối với sản phẩm ChatGPT vừa mới ra đời, thu hút được sự quan tâm của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng trong thời gian qua, theo các chuyên gia, ChatGPT là một chatbot do OpenAI phát triển, ngay từ đầu không nhằm mục đích để sử dụng như một công cụ giáo dục. ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn được xây dựng để tạo ra văn bản giống như con người tạo ra, dựa trên dữ liệu đầu vào mà nó nhận được. Ứng dụng này có thể được sử dụng để tạo gợi ý cho các bài viết mang tính sáng tạo, những cuộc trò chuyện thú vị hoặc đơn giản là để phục vụ nhu cầu giải trí. Song, ChatGPT không được thiết kế để sử dụng cho mục đích dạy học.
Các chuyên gia công nghệ và giáo dục nhận định, trong tương lai, sẽ có những sản phẩm công nghệ mới được thâm nhập sâu vào trong lĩnh vực giáo dục, tạo ra hiệu ứng ở các cấp độ khác nhau. Vì vậy, cần hiểu về bản chất, cơ chế vận hành của ChatGPT và các sản phẩm tương tự để có những phương án đề xuất về mặt chính sách, kỹ thuật, kỹ năng sử dụng, tích hợp các ưu điểm của sản phẩm trong thực tiễn giáo dục.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lưỡng (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: ChatGPT là một công nghệ trí tuệ nhân tạo rất hữu ích, tiện lợi trong giáo dục và có nhiều lý do để sử dụng như: hỗ trợ học tập và giảng dạy; nâng cao khả năng tìm kiếm và nghiên cứu; tăng cường tính tương tác và trải nghiệm học tập; tăng cường hiệu quả giảng dạy; cải thiện khả năng đánh giá và phân tích.
Tuy nhiên, việc sử dụng ChatGPT có một số hạn chế như: ChatGPT là một hệ thống tự động và không có khả năng tương tác cá nhân như giáo viên, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng giáo dục và phát triển của học sinh; không đánh giá được khả năng tương tác xã hội và kỹ năng mềm của học sinh; không thể giải thích chi tiết và cung cấp thông tin bổ sung như giáo viên. Nếu học sinh dựa quá nhiều vào ChatGPT để tìm kiếm thông tin và giải quyết các vấn đề, họ có thể trở nên lười học và mất khả năng tự tìm kiếm và giải quyết vấn đề. Vì vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lưỡng nhấn mạnh: ChatGPT cần được sử dụng đúng cách và kết hợp với sự hỗ trợ của người thật để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong quá trình học tập của học sinh.
Tiến sĩ Tôn Quang Cường, Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục lưu ý rằng, hiện một số thầy cô giáo lo lắng với sự ra đời của ChatGPT nên tham gia những lớp học hướng dẫn sử dụng công cụ này, tuy nhiên, đây là việc không cần thiết. Điều quan trọng là cần thay đổi cách tiếp cận trong dạy học và quản lý. Nếu như trước kia dạy theo kiểu cung cấp câu trả lời, bây giờ chuyển sang dạy người học cách đi tìm kiếm câu trả lời. Cách học mới là người học có vai trò cầm quyền, tính tự học, tự quyết của học sinh càng ngày được nâng cao. Người học sẽ tự quyết định điều gì là có ý nghĩa để học tập. Phương pháp này tạo sự cá nhân hóa học tập cho học sinh.
Đồng quan điểm trên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo làm thay đổi cách dạy, cách học và cách kiểm tra đánh giá; góp phần kích thích khả năng tự học, tự đánh giá, giám sát công việc… Giáo viên có thể sử dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để khai thác tài nguyên giáo dục, hỗ trợ trong việc lập kế hoạch giảng dạy, đề xuất các phương pháp giảng dạy mới, dịch tài liệu giáo dục…