Tiếng khèn thấm vào máu thịt người Mông, thân quen như miếng “mèn mén” mẹ mớm từ lúc mới biết ăn dặm. Con trai 13 đến 15 tuổi đã có cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ và đi hội. Âm thanh của khèn mạnh mẽ như chính cuộc sống người Mông, mạnh mẽ và kiên cường, đương đầu với sự khắc nghiệt nơi núi cao, đá dựng. Ngày xưa, tổ tiên người Mông giỏi lắm, rất nhiều chàng trai vừa biết thổi khèn, vừa múa trên những chiếc cọc dựng sát gần nhau. Ở phía dưới dân làng đốt lửa, ai không khéo, không giỏi, rơi xuống sẽ bị bỏng. Những chàng trai giỏi nhất luôn là mơ ước để các cô gái chọn lấy làm chồng.
Cây khèn là nhạc cụ tiêu biểu, gắn với đời sống sinh hoạt của người Mông. |
Nam giới người Mông thường làm cho mình một cây khèn để thổi trong những dịp lễ, Tết, chơi hội. |
Các chàng trai phô diễn tài năng để lấy lòng các cô gái. |
Các chàng trai thổi khèn bước chân nghiêng ngả theo âm thanh trầm bổng, in bóng trên nền trời xanh, trên núi đồi ngút ngàn như một tuyệt tác thiên nhiên. Tiếng khèn vang dội vào núi, vang vọng vào bản làng, trên các nương rẫy trong những cuộc vui thâu đêm. Tiếng khèn là lời tỏ tình đôi lứa, là sợi nối tâm linh giữa người sống và người đã khuất.
Tiếng khèn ngân vang như tiếng lòng của chàng trai gửi trao yêu thương cho cô gái. |
Chàng trai vui sướng vì tìm được người tâm đầu ý hợp. |
Hoạt cảnh thổi khèn ,“bắt vợ” trong một chương trình nghệ thuật. |
Ông Mùa A Tủa, dân tộc mông, ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu), cho biết: “Dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, dù có nhiều loại nhạc cụ hiện đại chi phối, nhưng người Mông vẫn không bỏ chiếc khèn của dân tộc mình”.
Người già vẫn bảo: “Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ lấy bản sắc dân tộc mình. Con trai Mông khi lớn lên là phải biết thổi khèn. Thổi khèn hay, múa khèn dẻo luôn nhận được sự quý mến, nể phục của nhiều người”.