‘Sự trỗi dậy’ của những đồ đã cũ tại triển lãm ‘New Look New Laque’

Triển lãm “New Look New Laque” (Một vẻ đẹp mới của sơn mài) diễn ra từ  25/11 đến 1/12, tại Trung tâm Thông tin Triển lãm Hà Nội, 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)  đã khiến người xem bất ngờ vì sự “biến hóa diệu kỳ” của những tác phẩm nghệ thuật được làm từ những vật liệu thừa, những mảnh ghép cũ, mang hơi thở thời gian dưới góc nhìn đương đại.

“New Look New Laque” do Hanoia khởi xướng và thực hiện cùng nghệ sĩ Gilles Jonemann từ năm 2019, nhưng do dịch bệnh COVID-19, nên tới hôm nay mới có thể ra mắt công chúng. Thời gian dài như vậy, nhưng như  tâm sự của nghệ sĩ Gilles Jonemann, hạnh phúc và niềm vui của ông vẫn “vẹn nguyên” như vậy khi chứng kiến những tác phẩm của mình.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Gilles Jonemann và những tác phẩm của mình.

“Cơ duyên” để nghệ sĩ Gilles Jonemann chú ý tới Việt Nam là vào năm 2017, khi vợ chồng ông đi cùng con gái sang Việt Nam. Con gái lo việc quay phim của mình, còn hai vợ chồng có thời gian “rong ruổi” Việt Nam và tình yêu với Việt Nam đã được khơi dậy từ đó.

Tuy nhiên, cơ duyên để nghệ sĩ Gilles Jonemann có thể “cống hiến” cho nghệ thuật sơn mài của Việt Nam phải tới năm 2019, khi ông được người phụ trách hiện tại của xưởng Petit h của Hermès mời tới thăm xưởng Thiên Hồng của Hanoia, đơn vị chế tác các sản phẩm sừng trâu và sơn mài cho Hermès. Cũng phải nói rõ, nghệ sĩ Gilles Jonemann chính là người đặt viên gạch đầu tiên cho xưởng Petit h của Hermès (nơi phát triển các dự án phát triển bền vững của thương hiệu).

Và ý tưởng đó chính là: Biến những vật liệu thừa, đồ đã qua sử dụng thành những tác phẩm nghệ thuật. Ví như một chiếc bát cổ được kết hợp với một chiếc bát hiện đại, hay việc kết những sợi chỉ cho một chiếc bình sơn mài hiện đại… Đó là những tác phẩm mà người xem có thể chiêm ngưỡng tại triển lãm.

Chú thích ảnh
Một chiếc bát cổ được kết hợp với một chiếc bát hiện đại, để trở thành một sản phẩm có hai chức năng: Để sử dụng và để ngắm nhìn, như quan điểm sáng tạo của nghệ sĩ Gilles Jonemann.
Chú thích ảnh
Tác phẩm "Dấu vết": Nghệ sĩ đã cưa các “đường nứt” và đục các lỗ để luồn vải khâu mà không làm vỡ bình. Nghệ sĩ đã dùng chất vải của người dân tộc thiểu số để “khâu vá lại vết thương” trên bình và bó buộc lại dây ở bên trong.

“24 tác phẩm trưng bày tại “New Look New Laque” là 24 món đồ gồm bình hoa, khay, bát lớn đã qua sử dụng của Hanoia, được chế tác theo kỹ thuật thủ công truyền thống từ ngàn xưa để lại - nghề sơn mài. Gilles Jonemann đã kết hợp chúng với những mảnh gốm, mảnh sành cũ, những miếng sắt bỏ đi, những mảnh vụn thổ cẩm, những lưỡi liềm, dao cắt cỏ, những mô hình đơm đó bằng tre của thế kỷ trước… mà tác giả thu thập được tại các ngôi làng cổ, các tiệm đồ cũ, các công trường xây dựng…  ông từng đặt chân đến tại Việt Nam.

Những đồ vật đó, dù mộc mạc, nhỏ bé và tưởng chừng vô giá trị, nhưng mang đậm yếu tố thời gian và thấm đẫm tinh thần văn hóa Việt, khi được lắp ráp, kết hợp với sơn mài Hanoia với độ chính xác hoàn hảo, đã tạo nên sự cân đối, hài hòa đẹp mắt và biến chúng thành những tác phẩm độc đáo, chạm đến trái tim của người yêu nghệ thuật”, bà Nguyễn Thị Nhung- CEO Hanoia cho biết.

Cũng theo bà Nhung, 24 tác phẩm đương đại này cũng trùng hợp với yếu tố thời gian 24 giờ trong một ngày, liên kết hiện tại và quá khứ để nhắc nhở chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc sống ngày hôm nay.

Người xem có thể có những liên tưởng khác nhau về cùng một tác phẩm nhưng đều cảm nhận được niềm vui, sự kỳ diệu trong cuộc sống, giống như được bay lên trong giấc mơ của chính mình. Từ Les danseurs (Vũ công), Le Riz d'Or (Ngọc thực), L'’Ocean (Đại dương) đến Le Repos (Nghỉ ngơi), Le Temps (Thời gian), Le Refuge (Nơi ẩn náu)..., tất cả đều được tạo nên từ tư duy về tỉ lệ và trí tưởng tượng tuyệt vời của người nghệ sĩ.

“Tôi yêu những đồ vật mang hơi thở thời gian mà thẳm sâu trong đó lấp lánh vẻ đẹp khiêm nhường của quá khứ. Bởi vậy, tôi đã chọn đồng hành cùng Hanoia trong triển lãm lần này. Ý tưởng của triển lãm chính là mối liên kết giữa các thời đại khác nhau.

Sau đó mới đến khía cạnh nghệ thuật: khả năng làm chủ (hoặc không!) một thế giới của chất liệu, hình dáng và sắc màu khiến người ta liên tưởng đến một chút điên rồ, một chút thơ ca, một chút hài hước và tràn ngập tinh thần tự do...", nghệ sĩ Gilles Jonemann chia sẻ. 

Triển lãm “New Look New Laque” mở cửa từ 8h00 đến 21h00 các ngày từ 25/11 đến 1/12 tại Trung tâm Thông tin Triển lãm Hà Nội, 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Một số tác phẩm tại triển lãm:

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Tên hai tác phẩm này là "Huyền mễ" và "Ngọc thực": Nghệ sĩ đã cắt phần chuôi của lưỡi hái thời xưa đi và dán phần lưỡi vào chiếc bát vàng để tạo nên một vòng cung đẹp; tạo nên hình ảnh của một mùa lúa nước bội thu, cũng là sự pha trộn giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại.
Chú thích ảnh
Tác phẩm "Tự": Nghệ sĩ đã ghép các mảnh móc quần áo cũ bằng tre ở trên bình tráng màu vàng. 
Chú thích ảnh
Tác phẩm "Khảo cổ học". Để chế tạo ra sản phẩm này, nghệ sĩ đã cắt các lọ thuốc cũ bằng sứ và xếp các mảnh lọ trên đĩa tráng lớp sơn mài theo bố cục giống một nhà khảo cổ học đào bới hiện vật lên. 

 

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Sinh năm 1944 tại Geneva một thành phố nhỏ xinh đẹp nằm phía tây nam Thụy Sĩ, thời niên thiếu Gilles Jonemann được đào tạo bài bản ở École des Arts Appliqués ở Paris (Pháp) và tại học viện ở Aix-en-Provence (Pháp). Cả cuộc đời ông gắn liền với việc thu thập những nguyên liệu đặc biệt như vỏ sò, nhím biển, mảnh vỡ hay những loại hạt, quả hạch từ khắp nơi trên thế giới rồi chế tác chúng thành những đồ trang sức tinh xảo và độc đáo mang đậm chất riêng của Gilles. Ông đã đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới không chỉ để phục vụ sở thích du lịch của mình mà còn hợp tác với nhiều công ty và nghệ sĩ ở Nicaragua, Madagascar, Mali và gần nhất là ở Việt Nam. Ngoài ra ông còn hợp tác với nhiều thương hiệu cao cấp như Morabito, Per Spook, Issey Miyaké và hiện nay là Hermès với các dự án phát triển bền vững của xưởng Petit h.
PV
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam sẽ giới thiệu nhiều loại vũ khí, giải pháp công nghệ
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam sẽ giới thiệu nhiều loại vũ khí, giải pháp công nghệ

Chiều 24/11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo giới thiệu Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (VIET NAM DEFENCE 2022).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN