Trước đó đã từng xảy ra rất, rất nhiều các vụ tai nạn đường sắt, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là nhiều người dân vi phạm hành lang an toàn của đường sắt và có quá nhiều đường ngang phát sinh do người dân tự trổ, tự mở, giao nhau với đường sắt.
Những đường ngang tự phát sinh này không hề có barie và công nhân đứng gác chắn, không có bảng biển, tín hiệu cảnh báo sự nguy hiểm... nên mỗi khi tàu sắp qua thì chẳng khác nào những chốn... tử thần.
Chính mắt tôi đã không ít lần cảm thấy thót tim, rùng mình khi nhìn người ta đi xe gắn máy qua một đường ngang trong khi đoàn tàu đang chạy tới với tốc độ rất nhanh và chỉ cách chỗ người đi xe máy vượt đường ngang ấy có gần trăm mét.
Vẫn biết là điều khiển chiếc xe chạy ngang qua đường sắt rộng hơn 1 m chỉ trong tích tắc, thế nhưng nếu lỡ đi đến giữa đường sắt mà gặp sự cố bị vấp ngã, hay xe đột ngột chết máy dừng lại..., thì khi đó sẽ khó lòng tránh khỏi tai nạn và cầm chắc cái chết.
Khó lòng thống kê được vô số các vụ tai nạn giao thông đường sắt thảm khốc từng xảy ra, và tôi chỉ có thể nói rằng, cứ qua một vụ tai nạn liên quan tới đường sắt thì dư luận lại "đổ tội" cho những cái đường ngang, nhất là đường ngang tự trổ, tự mở.
Thế nhưng, dẫu có nhìn nhận thấy sự nguy hiểm thực sự, và là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn giao thông của những đường ngang "tử thần" ấy, nhưng không hiểu sao ngành đường sắt vẫn không có biện pháp khắc phục, đại loại như gia cố rào chắn lại các đường ngang mở trái luật; hoặc vẫn để các cung đường ngang nào đó cho dân qua lại, nhưng phải lập trạm rồi cắt cử công nhân túc trực làm nhiệm vụ gác chắn để đảm bảo sự an toàn cho người và phương tiện qua lại...