Đến Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), khách du lịch sẽ được thưởng thức món đặc sản nổi tiếng được làm từ tôm và bột năng, đó là bánh phồng tôm.
Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX Tân Phát Lợi (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) cho biết: HTX được thành lập vào năm 2013 gồm 9 thành viên với vốn điều lệ 2 tỷ đồng, các sản phẩm chất lượng, chủ lực của HTX hiện nay là bánh phồng tôm, tôm khô nguyên vỏ, tôm khô tách vỏ, chà bông tôm, muối tôm… Nguồn nguyên liệu được lấy từ tôm thiên nhiên sinh dưỡng trong môi trường ngập mặn.
Theo ông Chương, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư thiết bị sấy sử dụng năng lượng mặt trời giúp cơ sở chủ động trong sản xuất, tăng sản lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Hiện sản phẩm của HTX đã có mặt tại siêu thị Saigon Co.op, Oramica, Công ty Thực phẩm 3 miền, các đại lý tại Hà Nội, chợ đầu mối Bình Điền và có mặt ở nhiều điểm bán trong và ngoài tỉnh.
Với hơn 15 năm theo nghề chuyên sản xuất bánh phồng tôm, ông Lê Ngọc Thạnh, chủ cơ sở Kim Tuyền (ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) cho biết, trước đây việc sản xuất bánh phồng tôm của cơ sở phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, trời nắng sản xuất bình thường, trời mưa sản xuất ít hoặc ngưng không sản xuất. Sau khi cơ sở đầu tư thiết bị sấy bánh phồng tôm sử dụng năng lượng mặt trời (với số tiền là 305 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 140 triệu đồng) đã giải quyết những hạn chế trên, đồng thời giúp cơ sở chủ động trong sản xuất, tăng sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế. Hiện tại, mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 1 tấn bánh phồng tôm để cung ứng đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
"Nguyên liệu chủ yếu để chế biến bánh phồng tôm là tôm đất còn tươi sống, tôm càng nhiều thì hương vị bánh càng thơm ngon, đậm đà. Trong mỗi miếng bánh phồng tôm của cơ sở Kim Tiền, thành phần tôm đất chiếm 60%, còn lại là bột năng và gia vị khác nên có hương vị đậm đà”, ông Thạnh chia sẻ thêm.