79 tuyến xe khách từ Bến xe Miền Đông đi đến 15 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau sẽ hoạt động và thực hiện giờ xuất bến tại Bến xe Miền Đông mới (phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Riêng giai đoạn 2 không có các tuyến đường chạy lộ trình Quốc lộ 14.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, sáng cùng ngày, sau khi di dời các tuyến xe khách liên tỉnh đi đến 15 tỉnh, thành phố về Bến xe Miền Đông mới, lượng khách ra vào bến đã bắt đầu nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông mới cho biết: “Giai đoạn 1, Bến xe Miền Đông mới có 22 tuyến chạy cự ly từ Quảng Trị ra Bắc (từ 1.100km trở lên), giai đoạn 2 có thêm 79 tuyến di dời từ bến cũ qua bến mới. Hôm nay, có khoảng 120 xe xuất bến với lượng khách gần 500 người. Các đơn vị vận tải có tuyến đường di dời giai đoạn 2 đã bố trí xe trung chuyển, tổ chức đưa đón hành khách từ Bến xe Miền Đông cũ về Bến xe Miền Đông mới”.
Cũng theo ông Hải, ngoài các đơn vị vận tải bố trí xe trung chuyển, còn có bốn tuyến xe buýt có trợ giá kết nối trực tiếp vào Bến xe Miền Đông mới. Cụ thể, tuyến 55 (Công viên phần mềm Quang Trung - Bến xe Miền Đông mới), tuyến 56 (Bến xe buýt Chợ Lớn – Đại học Giao thông Vận tải), tuyến 76 (Long Phước - Suối Tiên – Bến xe Miền Đông mới) và tuyến 93 (Bến Thành - Bến xe Miền Đông mới).
Ngoài ra, còn có 5 tuyến xe buýt có lộ trình đi ngang qua Bến xe Miền Đông mới (trục đường Quốc lộ 1) gồm: Tuyến số 150 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Ngã ba Tân Vạn), tuyến số 60-1 (Bến xe Miền Tây - Bến xe Biên Hòa), tuyến xe buýt số 60-2 (Đại học Nông Lâm - Bến xe Phú Túc), tuyến số 60-3 (Bến xe Miền Đông – KCN Nhơn Trạch) và tuyến số 60-4 (Bến xe Miền Đông – KCN Sông Mây).