Tại nhà máy của công ty Anwar Khawaja Industries, người lao động khâu bóng được trả 160 rupee (khoảng 0,75 USD) mỗi trái bóng. Người lao động thường mất khoảng 3 tiếng để hoàn thiện một quả bóng. Với tốc độ khâu 3 quả bóng một ngày, người lao động có thể kiếm được 9.600 rupee mỗi tháng. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, mức lương sinh hoạt tối thiểu tại Sialkot là khoảng 20.000 rupee một tháng, như vậy mức lương của người lao động sản xuất bóng là khá thấp.
Thành phần của da nhân tạo làm trái bóng bắt nguồn từ nhiều quốc gia khác nhau. Vật liệu có nguồn gốc Trung Quốc thường được dùng để sản xuất loại bóng rẻ nhất, còn vật liệu từ Hàn Quốc được sử dụng cho những loại bóng chất lượng cao hơn. Những trái bóng sử dụng trong các giải thi đấu tại châu Âu thường được làm từ vật liệu có nguồn gốc Nhật Bản.
Mỗi quả bóng truyền thống thường có 20 hình lục giác và 12 hình ngũ giác với 690 mũi chỉ khâu. Tuy nhiên, nhiều quả bóng ngày nay được nối với nhau bằng hồ dán nóng. Loại bóng này tiết kiệm chi phí sản xuất và vẫn đạt được chất lượng nhưng chi phí vận chuyển đắt và không thể sửa chữa hoặc làm xẹp như bóng khâu tay.
Mỗi năm trên khắp thế giới, có khoảng 40 triệu quả bóng được bán ra và dự kiến con số này sẽ tăng trong mùa World Cup.