Đón Giáng sinh ở nơi Chúa Jesus ra đời

Thành phố cổ Bethlehem thuộc Bờ Tây của Palestine với tuổi đời trên 3.000 năm là một trong những địa danh hấp dẫn với khách du lịch, đặc biệt là những người Thiên chúa giáo và Hồi giáo tìm đến trong dịp lễ Giáng Sinh hàng năm.

Chú thích ảnh
Cây thông lớn bên ngoài quảng trường Manger, phía trước của Nhà thờ Giáng sinh.
Bethlehem-anh2: Một góc bên ngoài Nhà thờ Giáng sinh

Với dân số chưa đầy 40.000 người, trong đó 40% là người Thiên chúa giáo, còn lại là Hồi giáo, Bethlehem được coi là vùng đất thánh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những người theo cả hai tôn giáo này. Đây là nơi có Nhà thờ Giáng sinh (Church of Nativity), được xây dựng trên một cái hang tương truyền là nơi Chúa Jesus ra đời. Công trình kiến trúc đặc biệt này ra đời từ Thế kỷ thứ tư, là nhà thờ Thiên chúa cổ nhất thế giới còn hoàn thiện và đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nơi đây Thánh Jerome đã viết vào năm 395 sau Công nguyên: “Địa điểm linh thiêng nhất của trái đất bị che khuất bởi ngôi mộ của Adonis, và hang động nơi Chúa Hài đồng khóc chào đời là nơi người tình của thần Vệ nữ được chôn cất”. Tương truyền, khi đế chế Ba Tư xâm lược Palestine vào năm 614 và phá hủy rất nhiều nhà thờ. Khi đến nhà thờ Giáng sinh, họ nhìn thấy một bức tranh khảm trên bức tường bên trong, có hình Ba nhà Thông thái mặc trang phục Ba Tư, nên đã không phá hủy nhà thờ này.

Chú thích ảnh
Một góc bên ngoài Nhà thờ Giáng sinh.

Gần đây nhà thờ Giáng sinh đã được hoàn tất công tác trùng tu với khoản đầu tư lên tới 15 triệu USD. Cùng với nhiều công trình cổ khác, như Động Sữa, Hang thánh Jerome, Nhà thờ thánh Catherine, Mộ thánh Rachel..vv.., Nhà thờ Giáng sinh góp phần đưa Bethlehem trở thành trung tâm du lịch văn hóa, tôn giáo của Chính quyền Palestine, đặc biệt là trong mùa Giáng sinh. Du lịch hàng năm đóng góp tới 90% tổng nguồn thu của chính quyền thành phố Bethlehem, với khoảng 2,5 triệu du khách nước ngoài ghé thăm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
 Gia đình chị Najla Abu Baker, người gốc Palestine, năm nào cũng đến đây vào dịp Giáng sinh.
Chú thích ảnh
 Những chiếc xe bán hàng ăn nhanh tại quảng trường Manger.

Hầu hết du khách nước ngoài muốn đến Bethlehem đều phải qua lãnh thổ Israel thông qua một số trạm kiểm soát. Thành phố này chỉ cách Jerusalem khoảng 10 km. Vì vậy, Bethlehem cũng rất thuận tiện cho những ai muốn trong cùng một chuyến đi sẽ ghé thăm cả di tích này cùng với thành phố cổ Jerusalem, nơi chúa Jesus bị hành hình trên cây thánh giá. Đặc biệt, giá thuê phòng khách sạn và chi phí ở Bethlehem rất rẻ, chưa bằng một nửa so với chi phí ở Jerusalem. Bộ Du lịch Israel ước tính năm nay lượng du khách đến Bethlehem trong tuần Giáng sinh vào khoảng 120.000 người, tức gần bằng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Đường phố ở Bethlehem đêm Giáng sinh năm nào cũng ùn tắc do lượng khách khắp nơi đổ về.
Bethlehem-anh6: Một chiếc xe đã rất cũ trên đường phố tại Bethlehem.
Chú thích ảnh
Một chiếc xe đã rất cũ trên đường phố tại Bethlehem.

Tại quảng trường Manger giữa trung tâm thành phố Bethlehem, năm nào cũng vậy, chính quyền cho dựng một cây thông Giáng sinh cao hàng chục mét, với hàng trăm bóng đèn màu trang trí rực rỡ đã được thắp lên, trên đỉnh là một ngôi sao lớn tỏa sáng, đánh dấu mùa Giáng sinh chính thức bắt đầu. Những ngày cuối tháng 11, thành phố Bethlehem đã nhộn nhịp hẳn lên để đón luồng du khách rất đông bắt đầu đổ về đây. Tuy nhiên, sát ngày lễ Giáng sinh lượng du khách nước ngoài lại giảm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình an ninh phức tạp. Tuy nhiên, các khách sạn cho biết các phòng đều đã được đặt gần hết chỗ.

Chú thích ảnh
Lượng du khách đến Bethlehem năm nay vắng vẻ hơn các năm khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19.

Tối 24/12, trong khi bên trong nhà thờ Thánh đản diễn ra các lễ Vọng giáng sinh và Lễ Giáng sinh, thì ở bên ngoài trên quảng trường Manger, trẻ em xúng xính trong bộ đồ hóa trang, các cặp nam thanh nữ tú xếp hàng chờ chụp ảnh tại mô hình hang đá nơi Chúa Jesu ra đời, với đèn, nến, máng cỏ. Gần đó là các ông già Noel và một nhóm hát ca vang những bài hát Thánh ca. Phía dưới Nhà thờ là cái hang rộng hơn chục mét vuông, nổi bật trên sàn đá cẩm thạch là một ngôi sao bạc lớn có 14 cánh, bên cạnh dòng chữ mang nghĩa “Nơi đây Jesus Christ hạ sinh bởi đức Maria Đồng trinh”. Du khách phải xếp hàng dài và đứng chờ rất lâu mới có thể xuống thăm hang trong một vài phút.

Chú thích ảnh
Thành phố Bethlehem còn rất nhiều di tích, công trình cổ.

Mặc dù đi lại khó khăn và tình hình an ninh vẫn còn phức tạp, nhưng điều đó không thể ngăn cản du khách đến với vùng đất thánh Bethlehem để cảm nhận bầu không khí tích cực, phấn khởi và cùng chào đón một Giáng sinh an lành, hạnh phúc. Chị Najla Abu Baker, một người dân thành phố Jenin, nơi thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa người dân địa phương với lực lượng an ninh Israel, nói: “Gia đình chúng tôi đều là người Palestine. Chúng tôi theo đạo Hồi, nhưng chúng tôi cùng chung sống trong hòa bình với người Thiên chúa giáo. Giáng sinh là dịp vô cùng tuyệt vời, bởi vì không quan trọng dù là tôn giáo gì, tất cả chúng tôi đều có đức tin vào Chúa trời”.

Chú thích ảnh
Dòng người xếp hàng vào Nhà thờ Giáng sinh trước giờ lễ Giáng sinh.
Chú thích ảnh
Một nhóm du khách chụp ảnh phía trước mô hình hang đá nơi chúa Jesus ra đời.
Chú thích ảnh
Cuộc sống của người dân Palestine nói chung và Bethlehem nói riêng còn nhiều khó khăn.
Chú thích ảnh
Bên trong một cửa hàng bán đồ lưu niệm.

Dịp Lễ Giáng sinh số tín đồ hành hương đến Nhà thờ Giáng sinh lên đến hàng trăm ngàn người. Đây là một cơ hội rất tốt để người dân thành phố Bethlehem kinh doanh, cải thiện đời sống vốn gặp rất nhiều khó khăn. Các cửa hàng cửa hiệu trang hoàng, bày biện nhiều hàng hơn, chủ yếu là đồ hành lễ và đồ lưu niệm, như tượng chúa Jesus, Đức mẹ Maria, giá nến... Những người bán hàng rong chuẩn bị thêm các cỗ xe đẩy bán những món ăn nóng, ăn nhanh. Với nhiều khách du lịch, kể cả với những người không theo đạo Thiên chúa, việc đón Giáng sinh tại địa điểm mang tính biểu tượng như Bethlehem là một trong những trải nghiệm tuyệt vời.

 

Tin, ảnh: Lê Vũ Hội (P/v TTXVN thường trú tại Trung Đông) (TTXVN)
Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh
Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh

Lễ Giáng Sinh còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Christmas, Xmas hay Noel để kỷ niệm ngày Chúa Giê-su ra đời. Qua thời gian, lễ Giáng Sinh đã trở thành một ngày lễ quốc tế và được biết đến nhiều hơn với cây thông và ông già Noel. Một số nước ăn mừng ngày này vào 25/12, một số nước lại vào tối ngày 24/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN