Ấn tượng với công nghệ ở Singapore Airshow 2016

Ngày 16/2, Singapore Airshow 2016 - triển lãm hàng không lớn nhất khu vực châu Á, đã chính thức khai mạc tại trung tâm triển lãm ở sân bay quốc tế Changi, Singapore.

Được tổ chức lần thứ 5 tại Singapore, triển lãm Singapore Airshow năm nay (diễn ra từ ngày 16-21/2) tập trung giới thiệu những xu hướng và công nghệ mới cũng như cập nhật sự phát triển của ngành hàng không thế giới.

Tổ chức hai năm một lần, Singapore Airshow được xem là triển lãm hàng không lớn nhất châu Á và là một trong ba triển lãm về Hàng không vũ trụ-Quốc phòng an ninh lớn nhất thế giới.


Singapore Airshow 2016 đã nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 1.000 công ty đến từ 50 quốc gia không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu, trong đó có Airbus, Bell Helicopter, Boeing, Bombardier, Embraer, Israel Aerospace Industries (IAI), Pratt & Whitney, Rolls-Royce.


Sự kiện năm nay cũng thu hút một số lượng kỷ lục các đại biểu cấp cao trong quân đội, chính phủ, cũng như những đại diện từ các hãng hàng không, sân bay, nhà sản xuất máy bay và các ngành công nghiệp liên quan từ khắp nơi trên thế giới.

Tại triển lãm lần này, mức độ tăng trưởng dự kiến của hạm đội máy bay châu Á trong 20 năm tới sẽ là một tỷ lệ đáng quan tâm.

Chiếc trực thăng vận tải hạng nặng Chinook của quân đội Singapore được trưng bày tại Singapore Air show 2016.

Theo Boeing, trong tương lai, châu Á sẽ cần khoảng gần 40% máy bay mới, trong khi Bắc Mỹ và châu Âu chỉ chiếm tỷ lệ 21% và 19% tương ứng. Tỷ lệ này sẽ đưa châu Á thành khu vực có số lượng máy bay lớn nhất trên thế giới vào trước năm 2034, cho thấy sự cần thiết của việc đầu tư trong khu vực để hỗ trợ và mở rộng cơ sở hạ tầng hàng không, bao gồm sân bay và năng lực không phận, cũng như sự gia tăng tương ứng về nhu cầu bảo trì, sửa chữa, thay thế các loại hình dịch vụ và ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Phát biểu tại Singapore Airshow, ông Paul Nef, Giám đốc Quản lý lưu lượng hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Honeywell (Mỹ) nhấn mạnh thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ phát triển khá nhanh trong khu vực và còn nhiều tiềm năng để có thể bứt phá hơn nữa.

Ông Paul Nef bày tỏ tập đoàn này hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác Việt Nam để cung cấp những giải pháp và sản phẩm công nghệ hiện đại bao gồm các hệ thống điện tử hàng không, các thiết bị nguồn/động cơ phụ cho máy bay (APU), sản phẩm CCTV và hệ thống camera giám sát... nhằm đưa ngành hàng không Việt Nam phát triển hơn nữa.

Bên cạnh những sự kiện chính như các hoạt động triển lãm, trưng bày, trình diễn máy bay nhào lộn trên không, hội thảo công nghệ và hội thảo chiến lược, Singapore Airshow 2016 sẽ mang đến những nội dung mang tính chuyên sâu mới như: Hội nghị cấp cao về hàng không, Diễn đàn Kinh doanh, Khu triển lãm mới và cải tiến, quốc gia tiêu biểu, thúc đẩy tư duy tiên phong...

Mẫu máy bay A350-900 của Hãng Airbus (Pháp) được rất nhiều khách hàng ưa chuộng và tại Triển lãm Tập đoàn này đã ký một hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD với Hãng hàng không quốc gia Philippines để cung cấp máy bay A350-900


Ngoài ra, các nước cũng sẽ tiến hành tìm kiếm và ký kết các hợp đồng mua bán máy bay, thiết bị hàng không trong khuôn khổ triển lãm.


Đội máy bay của Hàn Quốc trình diễn bay trong ngày khai mạc Singapore Air Show 2016.


Được tổ chức lần đầu vào năm 2008, đến nay, Singapore Airshow được biết đến là một "sân chơi" khuyến khích thảo luận các vấn đề then chốt và thách thức đối với ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, thông qua các hội nghị quan trọng cũng như cập nhật các xu hướng về hàng không mới nhất trên toàn cầu.

Tin, ảnh: Nhóm P/v TTXVN tại Singapore
Ấn tượng Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế tại Nga
Ấn tượng Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế tại Nga

Bất chấp các biện pháp trừng phạt, một lượng lớn các doanh nghiệp hàng đầu của phương Tây, như Airbus, Safran, Boeing, Thales, Bombardier, Rolls Royce đều tham dự sự kiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN