Hồ thuộc đất làng Thủ Lệ xưa, còn có tên khác là hồ Linh Lang, là tên vị thần được thờ ở đền Voi Phục. Tương truyền thần Linh Lang có công chống giặc ngoại xâm thời Lý, nên được dân làng ở đây thờ cúng.
Linh Lang là Hoàng tử con Vua Lý Thánh Tông. Khi đánh thắng giặc Tống trở về, nhà vua đã có ý muốn nhường ngôi cho Linh Lang, nhưng Hoàng tử không chịu. Hoàng tử sau đó mắc bệnh và xin về ở quê mẹ là Trại Chợ - tên cũ của làng Thủ Lệ để tĩnh dưỡng. Một thời gian hoàng tử mất, biến thành con giao long và trườn xuống hồ Dâm Đàm (hồ Tây) rồi biến mất.
Hoàng tử mất, vua thương tiếc cho lập đền thờ, giao cho dân làng giữ lệ thờ cúng và được miễn các khoản tạp dịch. Tục lệ này được truyền đời và tên Thủ Lệ ra đời.
Video toàn cảnh hồ Thủ Lệ:
Thủ Lệ ngày trước vốn là khu ít dân, ao đầm và cây cối mọc um tùm. Khi cải tạo thành công viên, khu vực này vẫn còn nhiều cây cổ thụ. Hiện nay, quanh khu vực đền Voi Phục vẫn còn có những cây muỗm to nhiều người ôm không xuể, những cây si xanh tốt rủ bóng xuống mặt hồ tạo thành cảnh quan đẹp và yên bình.
Công viên Thủ Lệ được xây dựng từ năm 1975 đến 1977 và đón nhận những chim thú từ Công viên Bách Thảo đưa sang. Theo thời gian, Công viên Thủ Lệ giờ đã có hàng trăm loài chim thú, hàng nghìn cây xanh, những vườn hoa nhiều màu sắc, thảm cỏ rộng và nhiều các trò chơi phục vụ các em nhỏ. Đây còn là lá phổi xanh quan trọng của thành phố.
Người dân Thủ đô và khách du lịch thường lựa chọn Công viên Thủ Lệ và hồ Thủ Lệ là nơi đến ưa thích dịp cuối tuần, ngày nghỉ hè hay lễ, Tết...