Thông tin 'bắt cóc trẻ em' ở Cà Mau là sai sự thật

Chiều 18/2, Công an huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau khẳng định, không có dấu hiệu "bắt cóc trẻ em" ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước. Thông tin "bắt cóc trẻ em" đăng tải, lan truyền trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận vào trưa cùng ngày là sai sự thật.

Công an huyện Cái Nước đang tiếp tục chỉ đạo điều tra, xác minh làm rõ vụ việc; trong đó, tập trung làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: Cố ý làm hư hỏng tài sản, đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, đưa người khác xuất cảnh sang nước ngoài trái phép.

Theo Công an huyện Cái Nước, khoảng 12 giờ 30 phút, ngày 18/2/2025, Công an thị trấn Cái Nước nhận được tin báo của nhân dân về việc có vụ “bắt cóc trẻ em” xảy ra tại khóm 1, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước. Sau khi nhận được thông tin, Công an huyện phân công lực lượng nghiệp vụ khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc nêu trên.

Qua xác minh cho thấy, ông Phạm Văn Nam (sinh năm 1971, trú tại Tây Thạnh, Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) có quen biết một người tên Thúy (hiện tại đang sinh sống tại Campuchia). Ông Phạm Văn Nam được người phụ nữ này thuê xe từ Thành phố Hồ Chí Minh đến huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau để đón hai người đưa đi Campuchia làm việc. Bà Thúy có cho ông Nam số điện thoại của Lê Như Ý (sinh năm 2010, ngụ tại Ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) và Phạm Kiều Vi (sinh năm 2008, ngụ tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước) để ông Nam đón.

Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 18/2, ông Nam lái xe ô tô biển kiểm soát 51H - 562.79 từ Thành phố Hồ Chí Minh đến đón Lê Như Ý và Phạm Kiều Vi tại hãng xe Nam Bình (khóm 2, thị trấn Cái Nước). Thời điểm này, Lê Như Ý, Phạm Kiều Vi đều đồng ý để ông Nam đưa đi Campuchia làm việc. Đáng nói, chỉ có gia đình Lê Như Ý biết được việc Ý chuẩn bị đi làm.

Sau đó, ông Nam chở Ý, Vi đi mua mỹ phẩm và ăn cơm trong khu vực chợ Cái Nước (tiền mua mỹ phẩm do bà Thủy chuyển khoản trả trực tiếp cho cửa hàng). Sau khi ăn cơm xong, Lê Như Ý không đồng ý tiếp tục lên xe để đi Campuchia nên đã gọi xe ôm. Lê Như Ý nói với ông Nam mở cửa xe để lấy đồ nhưng ông Nam không đồng ý, vì cho rằng tiền mỹ phẩm là do bà Thúy trả nên phải chờ ông Nam liên hệ hỏi ý kiến bà Thúy.

Lúc này một số người dân xung quanh đã tung tin đồn “bắt cóc trẻ em”, một số thành phần quá khích đã đập vỡ kính xe ô tô của ông Nam. Nhiều người tập trung quay phim, chụp ảnh, phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Kim Há (TTXVN)
Thông tin 'dừng xe nói chuyện, bị bỏ thuốc' là sai sự thật
Thông tin 'dừng xe nói chuyện, bị bỏ thuốc' là sai sự thật

Ngày 17/2, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết đã làm việc với người phụ nữ đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, về việc bị “bỏ thuốc” tại đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), vào rạng sáng cùng ngày, gây hoang mang dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN